Làm sao để các nền kinh tế đang phát triển cất cánh?
Dưới góc độ nghiên cứu về kinh tế học cấu trúc mới, cùng những kinh nghiệm và thực tiễn nhiều năm làm chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng thế giới, tác giả Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu) luôn tin rằng: Cuộc truy cầu sự thịnh vượng dẫu gian nan song cơ hội luôn chia đều cho các nước, nhất là các nền kinh tế đang phát triển.
Giáo sư Lâm Nghị Phu là Viện trưởng Viện Kinh tế học cấu trúc mới, Giám đốc Viện hợp tác Nam - Nam và phát triển, và nguyên Giám đốc danh dự Trường Quốc gia về Phát triển, Đại học Bắc Kinh. Cuốn sách được mang tên: “Cuộc truy cầu sự thịnh vượng” do ông viết chỉ nhằm một mục đích duy nhất: củng cố niềm tinh và sự sáng suốt về chính sách để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng ở tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ông cũng cho rằng một quốc gia đang phát triển có thể chuyển mình từ nghèo đói sang thịnh vượng chỉ trong một thế hệ. Nếu quốc gia ấy có các nhà hoạch định chính sách tốt, ưu tiên sử dụng nguồn lực, đầu tư vào lợi thế so sánh, khiến các lợi thế ấy trở thành các ngành có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Trong cuốn sách này, tác giả đã viết về vấn đề kinh tế học nhưng không hề khô khan. Đúng là cuộc truy tìm căn nguyên tăng trưởng hay cội nguồn của sự thịnh vượng, khởi đầu lý luận từ Adam Smith cách đây hơn hai thế kỷ rưỡi đến nay vẫn còn chưa đi tới kết cục mong đợi. Không ôn lại quá khứ theo cách lặp lại lý luận và tổng kết kinh nghiệm một cách nhàm chán, “Cuộc truy cầu sự thịnh vượng” chứa đựng nhiều kiến giải mới về lịch sử và những gợi ý có giá trị cho tương lai. Đây chính là lý do cuốn sách được nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia đang phát triển đánh giá cao. Có chuyên gia từng khen ngợi đây được xem là Chén Thánh của kinh tế học.
Giá trị của cuốn sách là nghiên cứu dưới góc độ kinh tế học cấu trúc mới. Các vấn đề như chính sách tài khóa, quản lý nguồn thu công, tài chính... thuộc trường phái kinh tế học cấu trúc mới được tác giả soi chiếu dựa trên những tiến bộ trong hiểu biết kinh tế và các bài học lịch sử, đưa ra phân tích có tính chặt chẽ về thực trạng xã hội. Ngoài ra, tác giả đưa ra bộ khung rất thực dụng để các nhà hoạch định chính sách có thể thiết kế và vận hành đảm bảo khả thi.
Tóm lại, các quốc gia ở các trình độ phát triển khác nhau và với các cấu trúc nguồn lực khác nhau sẽ phải lựa chọn các gói chính sách khác nhau. Khung xác định và hỗ trợ tăng trưởng được coi là một đóng góp đầy tích cực và hoài bão của Giáo sư Lâm Nghị Phu trong cuốn sách này. Giáo sư đã hòa quyện lịch sử phát triển lý luận và thực tiễn tăng trưởng kinh tế của thế giới, khái quát những tuyến lớn của mô hình tăng trưởng - mối quan hệ cơ chế mang tính quyết định Nhà nước - thị trường, hoặc cấu trúc tăng trưởng dựa vào thay thế nhập khẩu hay định hướng xuất khẩu. Đặc biệt là căn cứ vào thực tiễn các nước đang phát triển để đưa ra những nhận định và gợi ý ở tầm xứng đáng.
Thực tiễn cũng cho thấy, đa số các nền kinh tế đi sau thành công trong mấy thập niên gần đây bao gồm các thần kỳ Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đều là những hình mẫu thực tiễn của cách thức phát triển khác biệt nhiều so với các sơ đồ lý thuyết đã định hình. Điều đó cũng cho thấy, trong công cuộc truy tìm sự thịnh vượng, những sự tìm tòi thực tiễn mang tinh thần đổi mới sáng tạo ở các nước đi sau, cần được tiếp tục mổ xẻ, tổng kết và đúc kết thành các bài học có giá trị.
Trong bối cảnh nhân loại đang phải đối mặt với việc giải quyết những vấn đề muôn năm cũ của loài người theo một tư duy mới, theo cách tiếp cận mới, thì cuốn sách này hoàn toàn có giá trị. Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mọi người đang đồng lòng xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng; hơn lúc nào hết, Việt Nam cần tiếp tục giải quyết những vấn đề thách thức ngay trong chính thế hệ mình ở thế kỷ này.
Trong cuốn sách, nói rất kỹ đến khái niệm bẫy thu nhập trung bình. Lý giải rất dễ hiểu, tác giả cho rằng: Về mặt kinh tế, bẫy thu nhập trung bình là sự chậm lại của tăng trưởng và thay đổi cấu trúc khi các nền kinh tế bị kẹt giữa các nhà sản xuất trả lương thấp và các nhà đổi mới trả lương cao.
Làm sao để thoát bẫy ấy và hiện thực khát vọng thịnh vượng? Lời giải chính là các nhà hoạch định chính sách phải hiểu tường tận về các yếu tố phát triển của quốc gia cũng như xác định ra được các lợi thế so sánh tiềm ẩn. Điều đó cũng có nghĩa là hiểu được cấu trúc tài nguyên của một quốc gia và sự thay đổi của nó theo thời gian và tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới phù hợp với lợi thế so sánh tiềm ẩn chính là bí quyết cho sự thịnh vượng.
Câu chuyện truyền cảm hứng ở châu Phi đã nói lên, nền kinh tế đang trên đà cất cánh, tỷ lệ người nơi đây sống dưới mức 1,25 đô la/ngày đã giảm từ 58% năm 1996 xuống còn 50% năm 2005. Đó là kết quả tổng hợp: các chính phủ dân chủ và trách nhiệm hơn, các chính sách kinh tế hợp lý hơn, sự kết thúc của cuộc khủng hoảng nợ và thay đổi mối quan hệ với các nhà tài trợ, sự phổ biến của các công nghệ mới và sự xuất hiện của một thế hệ mới các nhà hoạch định chính sách, nhà hoạt động và lãnh đạo doanh nghiệp.
Đúng là những thách thức kinh tế toàn cầu ngày nay đòi hỏi phải có sự lạc quan và hy vọng. Điều truyền cảm hứng cho chính tác giả đó là mọi quốc gia đều được ban cho những hạt giống của sự thịnh vượng.
Albert Einstein từng nói đùa: Lý thuyết là khi bạn biết mọi thứ không có gì hiệu quả. Thực hành là khi mọi thứ vận hành nhưng không ai biết tại sao? Xem xét câu nói đùa của Albert Einstein một cách nghiêm túc: cuốn sách này tập trung vào những thách thức phát triển dài hạn mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt và cố gắng cung cấp một lộ trình cho các nhà hoạch định chính sách tham gia tìm kiếm sự thịnh vượng ở quốc gia mình và cộng đồng trên toàn cầu.