Cung đường hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng
Đất nước đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới. Khát vọng là lớn lao, con đường quá gập ghềnh, nhưng nếu không bắt đầu đi, không nỗ lực mọi bề ngay bây giờ, khi năm mới 2025 bắt đầu, thì sẽ khó lòng đến đích.
1.
Khi tờ lịch cuối cùng của năm cũ 2024 được gấp lại, năm mới 2025 bắt đầu, đất nước nhận tin vui, khi hàng loạt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu đề ra. Dù chưa có những con số chính thức cuối cùng, nhưng có thể tự hào để nói rằng, chúng ta đã thực sự gặt hái được “những thành tựu nổi bật, mang tính lịch sử” trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hôm ngành Kế hoạch và Đầu tư - Thống kê tổ chức lễ tổng kết năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định như thế. Vị Tư lệnh ngành - người đứng đầu cơ quan đóng vai trò là “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế” cũng đã nhấn mạnh rằng, những thành quả ấy đang “tạo cơ đồ, vị thế, thời cơ để đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”.
Chúng ta đã bước vào năm 2025 như thế, với bản lĩnh và tâm thế tự tin tràn đầy, khác với những ngày đầu của năm mới 2024. Lúc đó, đất nước vừa trải qua năm 2023 khó khăn vô chừng, với tăng trưởng GDP chỉ hơn 5% một chút. Thách thức vẫn còn đó, làm sao để tăng trưởng đạt 6-6,5% như mục tiêu đã đề ra? Dù đây không phải là mức tăng trưởng cao, nhưng vẫn là một nhiệm vụ nặng nề, một thách thức khó nhằn.
Nhưng rồi, từng ngày, từng tháng, từng quý, nền kinh tế vững vàng vượt qua mọi thử thách. Khi tăng trưởng GDP quý I được công bố ở mức 5,66%, vượt kịch bản đã đề ra ở Nghị quyết số 01/NQ-CP, niềm vui đã vỡ òa. Vui vì những khó khăn lớn nhất dường như đã qua đi. Nền kinh tế bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc phục hồi. Niềm vui được nhân lên, khi tăng trưởng quý II được công bố ở mức 6,93% - tiệm cận mốc 7%, và quý III vượt lên tới 7,4%...
Nền kinh tế thực sự đã bước qua điểm đáy, để tự tin tăng tốc và về đích. Dù có những thời điểm, như khi cơn bão lịch sử Yagi tràn qua, khiến kinh tế bị thiệt hại nặng nề, nỗi lo lại dội về, có khi tăng trưởng lại chẳng được như kỳ vọng. Nhưng cho đến giờ này, dù phải vài ngày nữa, số liệu thống kê của cả năm mới được công bố chính thức, vẫn có thể tự tin để khẳng định, con số tăng trưởng 7% là chắc chắn, thậm chí còn có thể cao hơn thế...
Không chỉ là tăng trưởng, hàng loạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác cũng đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đã ngày càng khẳng định vị thế là một điểm đến hấp dẫn của dòng đầu tư nước ngoài. Đã khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Đã thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, rồi kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Thể chế, chính sách cũng không ngừng được sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cao nhất cho đầu tư và sản xuất - kinh doanh… Niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào nền kinh tế đã trở lại. Thế nên, chỉ 11 tháng, đã có hơn 218.500 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Một con số đã góp phần khẳng định, những ngày tháng tới, kinh tế sẽ sáng hơn…
2.
Nhưng hơn cả những con số, còn rất nhiều điều có thể tự hào trong năm tăng tốc 2024. Về sự miệt mài không ngừng nghỉ của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị. Về sự quyết liệt, chính xác, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của mọi cấp ngành, đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Về sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy phát triển - điều mà lâu nay, cả nền kinh tế mong chờ. Chúng ta đã “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Đã bản lĩnh để chủ động kiến tạo, chủ động quyết định tương lai của đất nước…, bằng đường hướng chiến lược có tầm nhìn xa trông rộng và thể chế, chính sách đột phá, cạnh tranh quốc tế.
Tự hào khi một đất nước tưởng chừng nhỏ bé như Việt Nam, sau 40 năm Đổi mới, lại có thể đạt được dấu mốc xuất nhập khẩu 800 tỷ USD, trong đó chỉ riêng xuất khẩu là 400 tỷ USD. Mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới là cách để nền kinh tế Việt Nam có thể biến tiềm năng thành cơ hội. Từ con tôm, con cá, đến những hạt thóc, hạt điều…, được nuôi dưỡng và vun trồng từ đất, nước và mồ hôi của những người dân quê, đều có thể mang về hàng tỷ USD cho Tổ quốc.
Đó cũng là cách để giờ đây, Việt Nam có thể trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu, khi đã và đang là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, AI thế giới. Nhiều tên tuổi bán dẫn lớn toàn cầu đã đến Việt Nam thiết lập cơ sở sản xuất - kinh doanh. Đến Tập đoàn NVIDIA, mà rất nhiều nền kinh tế mong muốn “vời” về, nhưng bất thành, cũng đã tìm đến Việt Nam, với các thỏa thuận hợp tác chiến lược để biến dải đất hình chữ S trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI của thế giới.
Khi vị Chủ tịch NVIDIA nói rằng, NVIDIA Việt Nam được khai sinh, giới công nghệ thế giới ngỡ ngàng, nhìn Việt Nam với một vị thế hoàn toàn khác. Còn Chính phủ Việt Nam thì xác định, đó chính là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử. “Cơ hội phi thường” trong phát triển kinh tế mà tỷ phú Jensen Huang nói tới, có thể bắt đầu từ đấy, khi AI đang từng bước thay đổi cả thế giới.
Tự hào khi VinFast, một hãng xe non trẻ của Việt Nam, vươn lên đứng số 1 về thị phần ở thị trường ô tô Việt Nam, vốn lâu nay thuộc về tay những kẻ mạnh từ nước ngoài. Càng tự hào hơn khi dự án đường dây 500 kV mạch 3 có quy mô cả tỷ USD, do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công, được hoàn thành chỉ trong 6 tháng, xác lập kỷ lục về thủ tục đầu tư và thời gian thi công ngắn nhất.
Tự hào khi Việt Nam đang tiếp tục vượt lên, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Trong năm, các hoạt động ngoại giao cấp cao liên tục được đẩy mạnh. Đã bắt tay nhiều đối tác lớn, như Pháp, UAE, rồi Australia, Malaysia, Brazil… để nâng tầm quan hệ. Tầm vóc đối ngoại mới ấy, sẽ tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
3.
Đất nước đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới. Chỉ còn 2 thập kỷ nữa để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Khát vọng là lớn lao, con đường quá gập ghềnh, nhưng nếu không bắt đầu đi, không nỗ lực mọi bề ngay bây giờ, thì sẽ khó lòng về đích.
2025 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, nhưng lại là năm chuẩn bị nền tảng và tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Thế nên, chạy đua với thời gian, Thủ tướng Chính phủ chỉ trong vòng 2 tuần đã ra hai công điện để thúc đẩy tăng trưởng. Nhiệm vụ được giao rất rõ ràng, phải tăng trưởng 2 con số ngay từ năm 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nói, trong 20 năm, phải tăng trưởng cao, phấn đấu ở mức 2 con số. Trong đó, 5 năm tới là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới và cũng là thời kỳ chiến lược quan trọng, là giai đoạn nước rút của Việt Nam để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra.
Đạt được hay không, có lẽ, không chỉ là thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, từ giải ngân đầu tư công, xuất khẩu, rồi tiêu dùng nội địa, mà còn là những giải pháp mang tính căn cơ hơn. Đó là tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân; phát triển mạnh lực lượng doanh nhân dân tộc; thúc đẩy mạnh mẽ hơn các động lực tăng trưởng mới như bán dẫn, AI, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số…; đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các dự án hạ tầng chiến lược…
Và quan trọng hơn, là thực hiện thành công cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy. Cuộc cách mạng ấy được cho là sẽ mang tới một cơ hội to lớn trong phát triển đất nước và là một nhân tố có ý nghĩa quyết định trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…
Nhớ hôm ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê tổng kết năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói, trong khó khăn, thách thức luôn có cơ hội. Nếu nhận diện được hoặc chủ động tạo ra cơ hội và biết chớp thời cơ, thì thách thức cũng có thể trở thành động lực cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của đất nước.
Khi mọi điểm nghẽn được gỡ bỏ, khi mọi nguồn lực đều có thể được huy động hiệu quả, khi biết chủ động nắm bắt thời cuộc, nhanh nhạy, linh hoạt và bản lĩnh để tranh thủ cơ hội phát triển, khi cả đất nước chung một lòng nỗ lực vì một kỷ nguyên mới, thì kỷ nguyên thịnh vượng của dân tộc sẽ không còn xa!