Làm sao chặn được lạm thu trong trường học?

Đã có nhiều quy định về các khoản được và không được phép thu trong nhà trường, nhưng lạm thu vẫn diễn ra ở nhiều hình thức.

Nhiều trường học còn thiếu các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học.

Nhiều trường học còn thiếu các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học.

Nhiều khoản thu gây bức xúc

Vừa qua ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức, TPHCM) thông báo vận động tiền bồi dưỡng cho lực lượng dân phòng. Lý do là vì trường nằm trong khu vực hẻm, vào giờ tan tầm đông xe cộ qua lại nên phụ huynh muốn có 2 dân phòng hỗ trợ an ninh trật tự, điều phối xe trước cổng trường. Kinh phí bồi dưỡng dự kiến 2 triệu đồng/tháng trong 9 tháng, chia đều cho 28 lớp, mỗi lớp 643.000 đồng/năm. Đại diện lãnh đạo nhà trường khẳng định đây không phải là chủ trương của nhà trường, tin nhắn vận động đóng tiền xuất phát từ ban đại diện phụ huynh, không phải là trường nhắn tin cho phụ huynh.

Phụ huynh cũng phản ánh một số khoản thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường trung học thực hành, Trường ĐH Sư phạm TPHCM theo họ là chưa hợp lý. Cụ thể, học sinh lớp 10 phải đóng tiền xã hội hóa 600.000 đồng cho 3 năm học. Để mua màn hình, bảng trượt tương tác, học sinh lớp 10 đóng 915.000 đồng/năm học trong khi khối 11, 12 đóng 610.000 đồng.

Đầu tháng 11, Trường Mầm non Nông Trang (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thông báo các khoản thu năm học 2023-2024 khiến nhiều phụ huynh băn khoăn khi số tiền phải đóng là 8.470.000 đồng. Nhiều khoản được liệt kê gồm nấu ăn 92.000 đồng/ tháng; đồ dùng bán trú lớp 5 tuổi 600.000 đồng/năm, lớp 4 tuổi 800.000 đồng, lớp 3 tuổi 1 triệu đồng; lớp nhà trẻ 1,2 triệu đồng; tiền sử dụng điều hòa, nóng lạnh 30.000 đồng/ tháng, xem camera 15.000 đồng/tháng; quỹ lớp 500.000 đồng; quỹ trường 250.000 đồng; đồ dùng học tập 348.000 đồng; đồng phục 300.000 đồng; bảo hiểm thân thể 120.000 đồng; ủng hộ cơ sở vật chất 500.000 đồng… Riêng tiền năng khiếu âm nhạc 20.000 đồng/tháng và tiếng Anh 30.000 đồng/buổi, phụ huynh đăng ký theo nhu cầu.

Nhà trường sau đó giải thích đây chỉ là kế hoạch, dự kiến các khoản thu thỏa thuận, đưa ra để cùng bàn bạc, sau đó xin ý kiến phụ huynh. Phụ huynh không đồng tình khoản gì thì nhà trường bàn bạc lại, chưa thu tiền.

Mặc dù Bộ GDĐT đã quy định rõ các khoản mà nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, một số địa phương ban hành quy định liên quan nhưng một số nơi vẫn “biến tấu” tên gọi các khoản thu. Dù đại diện các trường đều khẳng định các khoản thu không cào bằng, tự nguyện nhưng trong thông báo gửi tới phụ huynh, mức thu luôn được ấn định, không có sự lựa chọn khác.

Cần đồng thuận từ phụ huynh

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhìn nhận có nhiều lý do dẫn tới việc lạm thu. Nhiều trường đang phải đối mặt với việc thiếu trang thiết bị, điều kiện học tập chưa được đáp ứng đầy đủ, phải dựa vào nguồn xã hội hóa, trong đó có phần thu từ phụ huynh.

PGS Thơ cho rằng, theo quy định, các trường được phép nhận tài trợ nhưng phải được sở, phòng giáo dục phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều người chưa phân biệt rõ việc thu quỹ phụ huynh được dùng vào việc gì. Cùng nhà trường mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập… được gọi là tài trợ, những khoản thu không dùng cho việc này không thể coi là tài trợ.

Theo bà Thơ, quy định về các khoản được và không được phép thu trong nhà trường không thiếu nhưng việc thực hiện phụ thuộc từng trường. Để tạo đồng thuận, nhà trường cần chia sẻ với phụ huynh rằng đây là những điều kiện giúp việc học tập tốt hơn, giúp nhà trường thực hiện trách nhiệm giáo dục của mình. Ban đại diện phụ huynh là tập hợp những phụ huynh cùng chia sẻ với nhà trường các hoạt động giáo dục. Hầu hết các thành viên ban đại diện hoạt động tự nguyện nhưng do cách làm chưa hợp lý nên có thể gây bức xúc.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-sao-chan-duoc-lam-thu-trong-truong-hoc-5743338.html
Zalo