Làm rõ việc lộ lọt thông tin dữ liệu cá nhân từ đâu và phải có giải pháp ngăn chặn kịp thời

Đóng góp vào dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong phiên thảo luận tại Tổ 2 chiều 12/5, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc làm rõ việc lộ lọt thông tin dữ liệu cá nhân từ đâu và phải có giải pháp ngăn chặn kịp thời để bảo vệ người dân được tốt hơn.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 12/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2

Tham gia thảo luận ở Tổ 2 gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh. Tại phiên họp, đa số các ĐBQH đều tán thành cao với sự cần thiết ban hành cũng như những nội dung trọng tâm được đề xuất tại các dự án Luật, đồng thời góp ý vào nhiều quy định cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi sau khi ban hành.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân rất cấp thiết nhưng cũng rất phức tạp. Theo quy định, dữ liệu cá nhân gồm dữ liệu cơ bản và dữ liệu nhạy cảm. Ví dụ số căn cước là dữ liệu cơ bản, nhưng số tài khoản lại là dữ liệu nhạy cảm.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức bày tỏ sự băn khoăn và dẫn chứng trong bán hàng online hiện nay, người mua phải chia sẻ thông tin cá nhân với người bán hàng, gồm cả họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà, cơ quan, số tài khoản trong quá trình chuyển tiền mua hàng. Những thông tin này sau đó lại được chia sẻ với đội ngũ shipper. Mỗi ngày một shipper thực hiện hàng trăm cuộc ship hàng và có hàng trăm dữ liệu cá nhân của những người mua. Vậy kiểm soát dữ liệu cá nhân như thế nào, quy định người bán hàng, shipper cũng là bên phải quản lý dữ liệu cá nhân, hay là bên thứ ba, kiểm soát dữ liệu như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội

Trong lĩnh vực ngân hàng có Trung tâm CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia) của Ngân hàng Nhà nước, là pháp nhân chịu trách nhiệm quản lý khách hàng có nợ xấu hay không, có thể vay mượn tiếp không? Những thông tin đó sau đó xử lý thế nào để tính toán hành lang pháp lý. Bởi nếu không cẩn thận siết lại sẽ ách tắc toàn bộ nền kinh tế số.

Ngoài ra, hiện nay, người dân đang rất bức xúc với cuộc gọi “rác”. Tại sao các đối tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật biết rõ số điện thoại, đọc rõ những ai chưa nộp tiền điện, số hợp đồng điện, đọc rõ cả số căn cước công dân.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, qua điều tra, cơ quan chức năng khẳng định, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó có cả những tổ chức cá nhân có trách nhiệm quản lý dữ liệu cá nhân đã làm lộ lọt, có trường hợp vô tình lộ lọt, thiếu trách nhiệm hoặc có cả trường hợp vụ lợi. Do đó, đối tượng lừa đảo biết số điện thoại cá nhân, sau đó gọi diện, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng lợi dụng vùng giáp ranh chồng lấn sóng điện thoại ở biên giới.

Với những bất cập trên, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, bài toán đặt ra là phải làm rõ việc lộ lọt thông tin dữ liệu cá nhân từ đâu và phải có giải pháp ngăn chặn kịp thời; đồng thời cho rằng dứt khoát phải đề xuất để Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân ra đời để bảo vệ người dân được tốt hơn.

Đồng thuận với quan điểm trên, một số ĐBQH tại Tổ 2 còn cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật Dữ liệu cá nhân cần làm rõ hơn về khái niệm mua, bán, chuyển giao dữ liệu cá nhân; chuyển giao dữ liệu cá nhân trong quá trình khám, chữa bệnh để vừa đảm bảo thông tin cho bệnh nhân nhưng vẫn kịp thời, nhanh chóng trong quá trình khám chữa bệnh...

Nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đại biểu Lê Thanh Phong nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực, ngoài quy định tại các Tòa án nhân dân khu vực có các Tòa chuyên trách gồm: Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Gia đình và người chưa thành niên thì dự thảo luật còn bổ sung quy định tại một số Tòa án nhân dân khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn là trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước có thêm Tòa án nhân dân khu vực có Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ là cần thiết.

Theo đại biểu Lê Thanh Phong, việc bố trí các Tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn là nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc này; đồng thời, để hiện thực hóa cam kết và khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài của nước ta với cộng đồng quốc tế.

Đại biểu Lê Thanh Phong

Đại biểu Lê Thanh Phong

Theo đại biểu Lê Thanh Phong, việc quy định các Tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệ nêu trên không phải là vấn đề mới do Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 hiện hành đã quy định mô hình tổ chức của Tòa án nhân dân có các Tòa án chuyên biệt về Phá sản, Sở hữu trí tuệ. Quy định này cũng phù hợp với quy định về việc tăng thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; phù hợp với mô hình tổ chức Tòa án nhân dân mới theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Quy định này là thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung Đề án số 04-ĐA/ĐU ngày 28/3/2025 của Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nhiều ĐBQH thống nhất với khoảng thời gian từ thời điểm cuối nộp hồ sơ ứng cử tới ngày bầu cử cần rút ngắn từ 70 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật hiện hành xuống còn 42 ngày, nhưng vẫn đảm bảo tổng thời gian từ hạn cuối công bố ngày bầu cử đến ngày bầu cử là 115 ngày như Luật hiện hành. Đối với khoảng thời gian từ ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, điều chỉnh giảm thời gian một số bước như: thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử; thời gian tiếp nhận khiếu nại kết quả bầu cử và xem xét giải quyết khiếu nại kết quả bầu cử; thời gian tiến hành bầu cử thêm, bầu cử lại. Với các điều chỉnh rút ngắn như đề xuất thì ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới sớm nhất có thể là sau ngày bầu cử chỉ 22 ngày (Luật Tổ chức Quốc hội đang cho phép tối đa là 60 ngày).

Đối với việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, các ĐBQH cho rằng, cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Hội đồng nhân dân khóa mới để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Đại hội Đảng các cấp.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, pháp luật, để thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025, Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sau khi cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, các ĐBQH nhận thấy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 15/3/2026 là phù hợp với các yêu cầu về thực tiễn. Do vậy, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Đại biểu Hà Phước Thắng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp. Hồ Chí Minh

Đại biểu Hà Phước Thắng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp. Hồ Chí Minh

Đại biểu Vũ Hải Quân nêu quan điểm tại phiên họp

Đại biểu Vũ Hải Quân nêu quan điểm tại phiên họp

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Đỗ Đức Hiển

Đại biểu Đỗ Đức Hiển

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Nguyễn Trí Thức

Đại biểu Nguyễn Trí Thức

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Bích Lan - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94056
Zalo