Làm rõ trách nhiệm đội vốn dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 đội vốn lên tới 20%, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm gần một nửa tổng mức đầu tư là rất lớn; cần xác định rõ trách nhiệm, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 14 chiều 21/5. Ảnh: Phạm Thắng
Chiều 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang, Khánh Hòa) về Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 (gọi tắt là Dự án), các đại biểu cơ bản nhất trí sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án với những lý do đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án tại Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022, trong đó đầu tư khoảng 53,7 km đường cao tốc, tốc độ thiết kế 100 km/h; quy mô 4 - 6 làn xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 17.837 tỷ đồng, chia thành 3 dự án thành phần. Dự kiến, dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ từ năm 2026.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Dự án đã phát sinh một số yếu tố làm tăng tổng mức đầu tư của các dự án thành phần, dẫn đến tăng sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đã được Quốc hội thông qua.
Theo đó, điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ Dự án tăng từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng (tăng 3.714 tỷ đồng, tương đương khoảng 20,8% sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đã được Quốc hội quyết định).
Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng 3.227 tỷ đồng lên 9.856 tỷ đồng, tương ứng tăng khoảng 49% so với dự toán ban đầu; chi phí đầu tư xây dựng của Dự án tăng 487 tỷ đồng, lên 11.695 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân điều chỉnh, Chính phủ cho biết, do trong bước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đã thực hiện đo đạc, kiểm đếm và chuẩn xác lại khối lượng, cơ cấu diện tích các loại đất bị ảnh hưởng; chuẩn xác lại khối lượng và chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật; biến động về đơn giá bồi thường trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại thời điểm thu hồi đất so với dự kiến.
Nguyên nhân nữa là Dự án bổ sung hạng mục trạm kiểm tra tải trọng xe và bổ sung nút giao khác mức liên thông với đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao (ĐT.991).

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) băn khoăn. “Dự án mới làm 3 năm mà đội vốn lên tới 20% thì việc xây dựng dự án, tính toán dự toán thế nào, chất lượng ra sao?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu cho biết cảm thấy “bất ngờ” với việc điều chỉnh chi phí giải phóng mặt bằng khi lên tới gần một nửa tổng mức đầu tư dự án, gần 10.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 21.500 tỷ đồng).
Theo đại biểu, chi phí này “gần bằng chi phí giải phóng mặt bằng tuyến đường nội đô”. “Nếu lấy diện tích đất nông nghiệp để làm dự án thì chi phí đó phải “nhẹ nhàng” hơn chứ?”. Đại biểu Trần Văn Lâm đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị cần xác định lại khâu đầu tính toán hướng tuyến như thế nào.
Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng cho rằng, tổng mức đầu tư dự án sơ bộ tăng 3.714 tỷ đồng (tăng 20,8% so với mức được Quốc hội quyết định) là khá lớn.
Cơ quan này đề nghị tiếp tục rà soát các chi phí tăng, giảm của Dự án và phân tích, bổ sung để làm rõ hơn, nhằm bảo đảm tính chính đáng, hợp lý trong việc đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; đồng thời làm rõ hơn các chi phí tăng, giảm (tăng giá đất, tăng do bổ sung nút giao Mỹ Xuân - Ngãi Giao...) và thực trạng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án tại các địa phương…
Nhấn mạnh “công trình đang làm dở dang mà không bố trí vốn thì không thể phát huy hiệu quả sớm”, đại biểu Trần Văn Lâm nhất trí với chủ trương: Đã cần vốn thì phải bảo đảm, nhưng phải cam kết chắc chắn là lần điều chỉnh này là xong.
Song song, cần xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đã tham mưu cho Quốc hội quyết chủ trương này, bởi việc điều chỉnh này có tác động tới ngân sách cũng như tiến độ của Dự án.