Làm rõ phạm vi thực hiện dự án nhà ở thương mại
Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết phải có nghị quyết này, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nhà ở, cũng như khơi thông được nguồn lực đất đai, đáp ứng nhu cầu của xã hội và tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn liên quan đến nhận quyền sử dụng đất.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua tình hình bất động sản diễn biến phức tạp. Trên thực tế, có những trường hợp doanh nghiệp đã xây dựng nhưng bị sai phạm, rất lãng phí nguồn lực xã hội, đất nước.
“Mặc dù không phải ngân sách của Nhà nước, nhưng doanh nghiệp cũng là nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp họ cũng phải đi vay ngân hàng, doanh nghiệp chết thì kéo theo ngân hàng cũng chết” – đại biểu Phạm Văn Hòa nói và cho rằng đây là vấn đề quan trọng, cần thiết ban hành dự thảo nghị quyết này.
Nhấn mạnh cơ chế thí điểm theo dự thảo nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất là nội dung rất mới, đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ phạm vi, điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Đồng tình với quy định này, một số đại biểu đề nghị nên bổ sung quy định rõ thêm đối với diện tích đất quốc phòng, an ninh được thực hiện dự án nhà ở thương mại. Điều này sẽ giúp rà soát được diện tích đất quốc phòng, an ninh, đồng thời phù hợp với nội dung của nghị quyết. Cũng theo các đại biểu, đây là nghị quyết thí điểm nên cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng cần được quan tâm để bảo đảm triển khai hiệu quả.