Làm rõ nội hàm 'nhóm dễ bị tổn thương' để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật

Tiếp tục phiên làm việc tại Tổ, chiều 21/5, các ĐBQH đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là 'nhóm dễ bị tổn thương' hoặc bảo vệ lợi ích công.

Tham gia thảo luận tại Tổ 13 nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an (ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cơ bản đồng tình với khái niệm “nhóm dễ bị tổn thương” được thể hiện trong dự thảo.

Tuy nhiên, đồng chí Thứ trưởng cũng cho biết thêm, thực tiễn hiện nay, trong một số văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Trợ giúp pháp lý… đều có đề cập đến nhóm người được trợ giúp về pháp lý. Do vậy, nhóm người được trợ giúp pháp lý với nhóm người dễ bị tổn thương có sự giống và khác nhau như thế nào. Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị, Ban soạn thảo rà soát, cân nhắc nếu nội hàm các khái niệm có sự tương đồng thì bổ sung cho phù hợp, chặt chẽ hơn.

Các đại biểu tham gia tại Tổ 13, chiều 21/5.

Các đại biểu tham gia tại Tổ 13, chiều 21/5.

Về khái niệm “trường hợp không có người khởi kiện” quy định tại Điều 4, khoản 3 dự thảo nghị quyết, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc và có thể làm rõ, cụ thể hơn về những trường hợp pháp luật đã có quyền, trách nhiệm khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công nhưng các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không khởi kiện, để dễ hiểu và tránh bị suy diễn.

Về các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ được quy định tại Điều 8 dự thảo nghị quyết, đồng chí Thứ trưởng đề nghị, quy định theo hướng dẫn chiếu quy định tại khoản 1, Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự, để bảo đảm sự thống nhất trong quá trình thi hành pháp luật về biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ.

Bên cạnh đó, cân nhắc bổ sung quy định về nguồn kinh phí chi trả cho các hoạt động của Viện KSND trong quá trình khởi kiện vụ án dân sự công ích như hoạt động xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ… Đồng thời đề nghị, quy định rõ về quyền, nghĩa vụ của người thuộc nhóm dễ bị tổn thương được Viện KSND bảo vệ quyền lợi.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ góp ý vào dự thảo nghị quyết

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ góp ý vào dự thảo nghị quyết

Đồng chí Thứ trưởng kiến nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết quy định mang tính nguyên tắc về cơ chế, giải pháp bảo đảm tính khách quan khi thực hiện cơ chế Viện KSND vừa là chủ thể trực tiếp tham gia khởi kiện, vừa là cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án dân sự.

Tham gia góp ý vào nội dung dự thảo nghị quyết, ĐBQH Sùng A Lềnh (ĐBQH tỉnh Lào Cai) bày tỏ cơ bản đồng tình với việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ như quy định tại hoản 1, Điều 5 về thẩm quyền xét xử vụ án công ích. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, trong thực tiễn, có nhiều vụ việc liên quan đến dân sự công ích có tính chất liên vùng, liên địa phương.

Do đó, cần quy định rõ hơn về căn cứ xác định Tòa án có thẩm quyền khi có nhiều vị đơn cư trí ở các địa bàn khác nhau. Đại biểu đề nghị, bổ sung nguyên tắc “Ưu tiên Tòa án nơi xảy ra hành vi vi phạm chính hoặc nơi hậu quả thiệt hại xảy ra nghiêm trọng nhất” để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và tạo thuận lợi cho việc thu thập chứng cứ.

Đồng tình với việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động Viện KSND. Tuy nhiên, để đảm bảo tính răn đe và thực thi hiệu quả pháp luật, ĐBQH Sùng A Lềnh đề nghị, xem xét bổ sung chế tài xử lý hành vi chậm trễ, cung cấp thông tin sai lệch hoặc không trung thực.

Nhật Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/lam-ro-noi-ham-nhom-de-bi-ton-thuong-de-dam-bao-thong-nhat-voi-he-thong-phap-luat-i769051/
Zalo