Làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra, tránh chồng chéo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra để phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Đoàn tỉnh Cao Bằng) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thi hành luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh để thống nhất với Quy định số 191-QĐ/TW để đảm bảo tính khả thi khi tổ chức thực hiện sau này.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Đoàn tỉnh Cao Bằng) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Đoàn tỉnh Cao Bằng) - Ảnh: Quochoi.vn

Về nguyên tắc hoạt động thanh tra trong khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật quy định, không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra; giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán Nhà nước không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra, đại biểu đề nghị việc quy định này cần làm rõ để không làm ảnh hưởng hoạt động của đối tượng thanh tra cũng như các tổ chức, cá nhân khác.

Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Đoàn tỉnh Hà Tĩnh) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra để thống nhất với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quy định tại Quy định số 191-QĐ/TW ngày 29/10/2024 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Theo đại biểu, sau khi sắp xếp hệ thống các cơ quan thanh tra cùng với tăng cường kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động này.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) đặt vấn đề, khi không có thanh tra chuyên ngành thì thanh tra Chính phủ có đảm đương được hết công việc của thanh tra chuyên ngành hay không - nhất là với lĩnh vực đặt biệt như thanh tra vệ sinh an toàn thực phậm, môi trường, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội)đồng tình với ban soạn thảo đã thống nhất khái niệm thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, khắc phục bất cập trong chồng chéo, khó phân định rạch ròi giữa trong công tác thanh tra hiện nay. Đồng thời, việc sắp xếp lại hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng thống nhất đã khắc phục bất cập này.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 16 của dự thảo Luật chưa thể hiện rõ việc kế thừa, tiếp nhận chức năng thanh tra chuyên ngành ở những nơi không còn tổ chức thanh tra. Vì vậy, đại biểu kiến nghị sửa quy định tại Điều 10 nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra Chính phủ: thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của bộ không có thanh tra bộ.

Đối với quy định về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan đơn vị trong công tác kiểm tra tại điều 61 dự thảo Luật, hoạt động thanh tra và kiểm tra đã được tách bạch. Thế nhưng, việc dự thảo Luật quy định thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên tổ chức việc kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật trong phạm vi quản lý chỉ đề cập nguyên tắc tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán nhưng chưa có quy định kiểm soát chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 22/5 - Ảnh: Quochoi.vn

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 22/5 - Ảnh: Quochoi.vn

"Trong khi đó, đây là vấn đề phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, tình trạng lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ gây tốn kém chi phí mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư", đại biểu Nhị Hà phân tích.

Theo đại biểu TP Hà Nội, Nghị quyết 68-NQ/TW 2025 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân yêu cầu chấm dứt thanh tra, kiểm tra chồng chéo kéo dài không cần thiết, bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện mỗi năm thực hiện thanh tra, kiểm tra 1 lần với doanh nghiệp - trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng. "Nếu không có cơ chế điều phối cụ thể sẽ rất khó thực hiện hiệu quả chỉ đạo này".

Vì vậy, đại biểu Nhị Hà kiến nghị bổ sung khái niệm "kiểm tra'" tại Điều 2 dự thảo Luật để làm rõ tính chất chủ thể, hệ quả pháp lý và trách nhiệm tổ chức thực hiện; bổ sung nội dung về phối hợp (Điều 61), tránh chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra. Đồng thời giao thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh vai trò đầu mối điều phối kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước khi đề nghị thanh tra, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Cùng với đó, quy định điều kiện, cơ chế tiếp nhận đề nghị để cơ quan thanh tra làm đúng thẩm quyền, không làm thay vai trò quản lý Nhà nước.

Sau phần thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu và cho biết, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp thu toàn bộ ý kiến của đại biểu liên quan đến hoạt động thanh tra chuyên ngành; xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra với kiểm toán Nhà nước; kinh phí trích cho các cơ quan thanh tra… để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi thông qua tại kỳ họp này.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-ro-nhiem-vu-quyen-han-cua-cac-co-quan-thanh-tra-tranh-chong-cheo.711758.html
Zalo