Làm rõ một số nội dung về thuốc lá làm nóng để có phương án quản lý phù hợp

Với sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, một số bộ ngành đang tranh luận về định nghĩa của từng sản phẩm, nhằm xác định phương án quản lý phù hợp.

Theo một số cơ quan quản lý, do thuốc lá làm nóng được sản xuất từ thuốc lá, phù hợp với định nghĩa về “sản phẩm thuốc lá”, nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Một số cơ quan khác cho rằng Luật phòng chống tác hại thuốc lá chưa nêu rõ tên gọi thuốc lá làm nóng nên có thể chưa bao hàm sản phẩm này.

Vậy để làm rõ, trước tiên cần xác định thuốc lá làm nóng là gì, khác thế nào với thuốc lá điếu và các loại thuốc lá thế hệ mới khác cũng như mức độ phổ biến của sản phẩm trên toàn cầu.

Thuốc lá làm nóng là thuốc lá nhưng không đốt cháy

Nhiều năm qua, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử đã lưu hành tự do tại Việt Nam với tên gọi chung là thuốc lá thế hệ mới. Nhưng về bản chất, thuốc lá làm nóng không hoàn toàn mới, vì cùng sử dụng nguyên liệu thuốc lá như thuốc lá truyền thống, chỉ khác ở điểm không có quá trình đốt cháy điếu thuốc.

Với thuốc lá điếu, người hút dùng bật lửa để đốt cháy điếu thuốc. Với thuốc lá làm nóng, người hút dùng thiết bị điện tử (còn gọi là tẩu) để làm nóng điếu thuốc đặc chế. Điếu thuốc này chỉ được làm nóng đến nhiệt độ vừa đủ giải phóng nicotine.

Do đó, tên gọi thuốc lá làm nóng gồm hai yếu tố: sử dụng nguyên liệu “thuốc lá," và “làm nóng” điếu thuốc bằng thiết bị, thay vì đốt cháy bằng lửa.

Điều này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)[LC1] xác thực qua việc phân loại thuốc lá làm nóng vào nhóm “Thuốc lá làm nóng” để phân biệt với thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử (dùng tinh dầu).

 Hình cấu tạo khoa học của điếu thuốc lá làm nóng.

Hình cấu tạo khoa học của điếu thuốc lá làm nóng.

Mới đây, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) công bố thuốc lá làm nóng thuộc danh mục tách biệt với thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử. Tiêu chuẩn định nghĩa thuốc lá làm nóng là “sản phẩm có chứa nguyên liệu là thuốc lá được làm nóng (không đốt cháy) để tạo ra khí hơi chứa nicotine”.

Vì không có quá trình đốt cháy nên thuốc lá làm nóng không có khói, tàn thuốc và không lưu lại mùi như thuốc lá điếu.

Lịch sử phát triển của thuốc lá làm nóng

Trên thực tế, thuốc lá làm nóng đã xuất hiện hơn 3 thập kỷ qua. Năm 1988, thuốc lá làm nóng lần đầu ra mắt bởi công ty RJ Reynolds với tên gọi Premier. Qua nhiều giai đoạn cải tiến, năm 2014 sản phẩm bắt đầu phổ biến và lưu hành toàn cầu.

Nhìn chung, thuốc lá làm nóng phổ biến nhất ở châu Á, tiếp đến là châu Âu, Hoa Kỳ và các khu vực khác.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ dùng thuốc lá làm nóng tăng từ 0,2% (2015) lên 10-15% (2019), và hiện đã chiếm 44% tổng thị phần thuốc lá. Hàn Quốc có 4,4% người trưởng thành đang dùng thuốc lá làm nóng.

Về pháp lý, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 175 nước không cấm kinh doanh thuốc lá làm nóng, đa số là các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Nhật Bản, Nga), riêng khu vực ASEAN gồm Malaysia, Indonesia, Philippines...

Từ năm 2018, WHO khuyến nghị chính phủ các nước quản lý thuốc lá làm nóng theo luật quốc gia, trong khi chờ nghiên cứu về khả năng giảm hại so với thuốc lá điếu.

Bhutan, Uruguay, Đài Loan… là những quốc gia và vùng lãnh thổ từng cấm thuốc lá và sau đó đã hợp pháp hóa thuốc lá làm nóng.

Về khoa học, sự phổ biến của thuốc lá làm nóng trên toàn cầu được lý giải bởi việc xã hội ngày càng quan trọng cách nhìn của công chúng với người hút thuốc. Thuốc lá làm nóng không có dòng khói thải ra (dòng khói phụ) như thuốc lá điếu nên ít ảnh hưởng đến chất lượng không khí, hạn chế gây ra tình trạng hút thuốc thụ động.

Tại Nhật Bản, theo một khảo sát diện rộng, lý do người hút thuốc lá điếu chuyển sang thuốc lá làm nóng là vì lo ngại ảnh hưởng đến người xung quanh (40%) và cho rằng thuốc lá làm nóng ít gây hại hơn (36%).

 Một nhà hàng tại Nhật Bản để biển báo cấm thuốc lá điếu nhưng cho phép thuốc lá làm nóng. (Nguồn: Reuters)

Một nhà hàng tại Nhật Bản để biển báo cấm thuốc lá điếu nhưng cho phép thuốc lá làm nóng. (Nguồn: Reuters)

Dù không vô hại, nhưng tiềm năng giảm tác hại của thuốc lá làm nóng đang được nhiều quốc gia công nhận và coi là một phần của chiến lược giảm tác hại thuốc lá.

Mới đây, Bộ Y tế New Zealand đã quyết định giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá làm nóng từ ngày 1/7, nhằm hỗ trợ việc thí điểm thuốc lá làm nóng như là công cụ cai thuốc lá điếu.

Tại Việt Nam, nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng thuốc lá làm nóng phù hợp với định nghĩa thuốc lá trong Luật phòng chống tác hại thuốc lá, trong đó có đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - một trong những người từng thông qua Luật phòng chống tác hại thuốc lá, và ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên cấm tất cả thuốc lá thế hệ mới nhằm tránh tạo ra thế hệ nghiện thuốc mới. Mặt khác, năng lực kiểm nghiệm sản phẩm và thực thi pháp luật trong việc quản lý các mặt hàng này cũng là thách thức với Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng e ngại về tác động hai chiều từ lệnh cấm này.

Bài viết tiếp theo của loạt bài này sẽ đi sâu tiếp cận vấn đề ở góc độ người dùng và quản lý thị trường để cung cấp thêm thông tin xung quanh vấn đề này./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lam-ro-mot-so-noi-dung-ve-thuoc-la-lam-nong-de-co-phuong-an-quan-ly-phu-hop-post967939.vnp
Zalo