Giả trạm BTS để phát tán tin rác, lừa đảo

Mới đây, nhiều vụ sử dụng trạm BTS giả (trạm thu phát sóng) phát tán tin nhắn rác và lừa đảo cùng các mục đích xấu khác tiếp tục bị phát hiện, xử lý cho thấy thủ đoạn của loại tội phạm này ngày càng phức tạp. Đáng nói, trong các vụ việc này, các đối tượng phạm tội có tổ chức, có sự trao đổi, bàn bạc từ trước, chuẩn bị công cụ, phương tiện và phân chia vai trò, nhiệm vụ cụ thể...

Thiết bị giả mạo chủng loại mới, công nghệ cao

Bắt đầu, từ tháng 6/2024, hai đối tượng người Hong Kong (Trung Quốc) chưa rõ lai lịch, nhập cảnh vào Việt Nam và gặp Wu CongMing (sinh năm 1968, Quốc tịch Trung Quốc, có tên tiếng Việt là Ngô Thông Minh) trình bày, có nhu cầu tìm người chở thiết bị giả trạm thu phát sóng vô tuyến BTS để phát tán tin nhắn trái phép có nội dung quảng cáo trang web cá cược đến thuê bao di động của người dùng. Hai đối tượng đề nghị Wu CongMing tìm thuê người điều khiển xe ô tô chở thiết bị lưu thông trên đường để làm việc như trên. Các đối tượng sẽ cung cấp thiết bị và trả tiền cho Wu CongMing để chi trả cho người trực tiếp thực hiện.

Ô tô chở thiết bị giả trạm thu phát sóng BTS mà Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện.

Ô tô chở thiết bị giả trạm thu phát sóng BTS mà Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện.

Bắt tay vào việc, Wu CongMing đã liên lạc với Thôi Vĩ Quốc (tên gọi khác “Tài Mà”, sinh năm 1988, ngụ quận 8, người Việt Nam, dân tộc Hoa) - người quen nhiều năm của Wu CongMing ở Việt Nam để trao đổi và được Quốc giới thiệu Phùng Lạc Tòng (sinh năm 1987, ngụ quận 10, người Việt Nam, dân tộc Hoa) cùng thực hiện phi vụ.

Để trao đổi, quản lý công việc, các đối tượng trên đã lập nhóm chat trên ứng dụng WhatsApp, gồm Wu CongMing, Quốc, Tòng và 3 đối tượng người Hong Kong. Đến ngày 20/7, hai đối tượng người Hong Kong mang thiết bị giả trạm BTS đến chỗ ở của Wu CongMing tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân cất giữ. 5 ngày sau, Tòng cùng Quốc đến lấy thiết bị để chạy thử.

Trong khoảng thời gian từ ngày 26/7 đến ngày 2/8, mỗi ngày Tòng đều điều khiển xe ô tô lưu thông trên các tuyến đường vận hành thiết bị giả trạm BTS để phát tán tin nhắn trái phép. Quá trình này được theo dõi qua ứng dụng tên “New” cài đặt trong máy tính xách tay (laptop) và Tòng sẽ dùng điện thoại di động quay màn hình laptop hiển thị ứng dụng “New” đang hoạt động, gửi clip vào nhóm chat WhatsApp để các đối tượng quản lý.

Đến sáng 2/8, khi Tòng đang chở thiết bị giả trạm BTS hoạt động trên đường Hùng Vương thuộc địa bàn phường 1, quận 10 thì bị tổ công tác của cục nghiệp vụ Bộ Công an kiểm tra, phát hiện sự việc. Tòng và phương tiện, thiết bị liên quan bị đưa về trụ sở Công an phường 1 làm việc.

Cơ quan công an xác định Wu CongMing, Thôi Vĩ Quốc, Phùng Lạc Tòng đã giúp sức cho các đối tượng người Hong Kong chưa rõ lai lịch, sử dụng thiết bị giả trạm BTS làm nhiễu việc phát sóng bình thường của các trạm BTS đã được cấp phép, làm cho các thiết bị điện thoại di động bị tác động không sử dụng được dịch vụ, không gọi điện, nhắn tin được, gây không ít thiệt hại cho các nhà mạng vì bị khách hàng phản ứng, mất doanh thu... Các đối tượng này được xác định phạm tội có tổ chức, có sự trao đổi, bàn bạc từ trước, chuẩn bị công cụ, phương tiện và phân chia vai trò, nhiệm vụ cụ thể cho từng người.

Khai nhận tại cơ quan điều tra, cả 3 đối tượng đều thừa nhận biết rõ việc các đối tượng người Hong Kong tìm thuê người sử dụng thiết bị giả trạm BTS để phát tán tin nhắn quảng cáo trang web cá cược là vi phạm pháp luật nhưng vì được trả công nhiều tiền nên chúng vẫn thực hiện.

Cùng khoảng thời gian trên, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phối hợp với các cơ quan chức năng và cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phát hiện, ngăn chặn thành công hoạt động của các đối tượng sử dụng các thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin giả trạm BTS bất hợp pháp.

Khuyến cáo của Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Khuyến cáo của Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cụ thể, ngày 8/8, tại khu vực đường Thùy Vân thuộc địa bàn phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các lực lượng phối hợp đã bắt quả tang đối tượng Z.Z (sinh năm 1980, quốc tịch Trung Quốc, nơi ở hiện tại: phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu) đang sử dụng bộ thiết bị BTS giả, đặt trên một xe ô tô loại 7 chỗ liên tục di chuyển, để xâm nhập mạng viễn thông bất hợp pháp, phát tán tin nhắn quảng cáo, lừa đảo.

Từ kết quả điều tra, bước đầu cơ quan chức năng xác định, lợi dụng cơ chế bảo mật yếu của mạng 2G (GSM), cùng cơ chế hoạt động của các thiết bị đầu cuối hoặc điện thoại di động là luôn kết nối đến trạm có sóng mạnh nhất, các đối tượng đã sử dụng thiết bị trạm BTS giả với phần mềm điều khiển có thể phủ sóng trong khoảng 2 km, làm nhiễu tín hiệu 3G, 4G xung quanh trạm BTS có phép của các nhà mạng, từ đó sử dụng sóng công suất lớn để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo tới người dùng nhằm mục đích xấu.

Khi điện thoại nằm trong phạm vi ảnh hưởng, người dùng có thể nhận được tin nhắn mạo danh, dẫn dắt họ truy cập vào những đường dẫn độc hại, thu thập thông tin người dùng, nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân hoặc lừa người dùng cài đặt phần mềm nguy hiểm.

Theo Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thiết bị giả mạo trạm BTS mà các đối tượng sử dụng là chủng loại mới, công nghệ cao, nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt và hóa trang tinh vi trên xe ô tô. Đồng thời, các đối tượng cũng thiết lập trạm BTS giả ở chế độ bật - tắt ngắt quãng, thường xuyên di chuyển không có quy luật qua nhiều tuyến đường nhằm tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Cơ quan CSĐT Công an TP Vũng Tàu đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Z.Z để điều tra về hành vi “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”...

Trước đó, vào đầu tháng 3, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang đối tượng L.T.T (sinh năm 1995, quê Bình Dương, tạm trú TP Hồ Chí Minh) đang sử dụng thiết bị BTS giả. T. khai được một đối tượng gửi thiết bị từ nước ngoài về và trực tiếp vận hành để giả mạo các nhà mạng di động phát tán tin nhắn SMS trên địa bàn nhằm lừa đảo người dân.

Để che giấu hành vi, đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn như sử dụng thiết bị kích thước nhỏ giấu kín trong ba lô, dùng xe gắn máy di chuyển nhanh qua nhiều tuyến đường đông đúc, hoạt động vào các khung giờ cao điểm...

Ngăn chặn hiểm họa từ những tin nhắn giả mạo

Theo Cục Tần số vô tuyến điện, các trạm BTS giả là công cụ giúp cho những đối tượng lừa đảo phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo... Đây là nguyên nhân khiến nhiều thuê bao di động nhận được những tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng để gửi nội dung giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân, thậm chí nhiều người phản ánh việc liên tục nhận được tin nhắn điện thoại mang nội dung gạ gẫm tình ái và đính kèm đường link mời gọi người nhận truy cập. Khi truy cập đường link này, người dùng được yêu cầu tải ứng dụng nhưng không chuyển hướng về App Store như thông thường mà là một web khác có giao diện tương tự. Sau khi tải về, ứng dụng đó mang tính chất “chát chít”, có nhân viên tư vấn. Nội dung là môi giới hẹn hò, mua bán mại dâm.

Một số trường hợp khi truy cập vào đường link của tin nhắn có nội dung tương tự lại được mời chào đầu tư tài chính, cờ bạc trực tuyến... Ứng dụng yêu cầu truy cập danh bạ, cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để làm hồ sơ...

Cơ chế hoạt động của các trạm BTS giả này là sóng của các trạm BTS giả sẽ đè lên sóng của nhà mạng. Trong khoảng cách 100m, các thiết bị di động sẽ kết nối với sóng của các trạm BTS giả mạo thay vì kết nối với các nhà mạng.

Trạm BTS giả lắp đặt và hóa trang tinh vi trên xe ô tô bị phát hiện tại TP Vũng Tàu.

Trạm BTS giả lắp đặt và hóa trang tinh vi trên xe ô tô bị phát hiện tại TP Vũng Tàu.

Theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, những trạm BTS giả có thể nhắn hàng nghìn tin nhắn một phút và 80.000-100.000 tin nhắn mỗi ngày. Tác hại nghiêm trọng của những tin nhắn giả mạo các cơ quan nhà nước, ngân hàng, giả mạo thuê bao di động của các tổ chức, cá nhân với mục đích là để lừa đảo người dân, phát tán tin nhắn chống phá Nhà nước, gây bất ổn an ninh, chính trị...

Tuy nhiên, Cục Tần số vô tuyến điện nhận định, mặc dù các đối tượng dùng thủ đoạn tinh vi như kể trên, nhưng tất cả đều nhanh chóng bị phát hiện, bắt giữ trong thời gian ngắn. Kết quả này nhờ sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị thuộc Cục Tần số vô tuyến điện, các lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an và các nhà mạng viễn thông di động.

Nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động nói trên, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như công an các địa phương khuyến cáo người dân: Tuyệt đối không mở các đường liên kết khi nhận được các tin nhắn lạ, không rõ nguồn gốc, không đăng nhập tài khoản cá nhân vào những địa chỉ này. Kiểm tra kỹ nội dung khi nhận được tin nhắn từ các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các tin nhắn gây chú ý (trúng thưởng, cảnh báo, khuyến mãi...). Không click vào các đường dẫn có dấu hiệu đáng ngờ; kiểm tra kỹ tên miền trang web trước khi đăng nhập thông tin tài khoản; tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP với bất kỳ ai.
Khi nhận được các tin nhắn có dấu hiệu bất thường, người dân phải liên lạc ngay với đơn vị chủ quản của nhãn hàng hoặc thương hiệu để xác thực thông tin; lưu lại tất cả thông tin: Lịch sử trò chuyện, các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội liên quan, sao kê giao dịch ngân hàng và cung cấp cho Cơ quan công an khi trình báo. Đồng thời, cài đặt lại mật khẩu các tài khoản cá nhân trong trường hợp bị đánh cắp thông tin hoặc bị tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử; cảnh báo cho bạn bè, người thân về hình thức lừa đảo mà mình đã hoặc đang gặp phải.
Khi phát hiện nhận được tin nhắn rác, giả mạo trên thiết bị điện tử cá nhân của mình, người dân cần nhanh chóng thông báo cho Cơ quan công an địa phương để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn.

Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an khám phá thành công vụ án “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” do một nhóm đối tượng người nước ngoài cấu kết thực hiện.
Hành vi của các đối tượng đã cấu thành tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án và bắt giữ các đối tượng trên để điều tra xử lý theo quy định.

Phú Lữ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/gia-tram-bts-de-phat-tan-tin-rac-lua-dao-i742882/
Zalo