Làm rõ cơ chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành

Tán thành việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, song đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ cơ chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành cũng như sự phối hợp giữa người đứng đầu các cơ quan này khi thực hiện thanh tra chuyên đề.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Chín, chiều 8/5, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 14. Ảnh: Đ. Thanh

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 14. Ảnh: Đ. Thanh

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tham dự phiên thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa).

Xác định rõ căn cứ tạm dừng thanh tra

Góp ý vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho biết, về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh (Điều 10 và Điều 15), thì theo Kết luận số 134-KL/TW, sau khi thực hiện sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, thì Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp nhận chức năng thanh tra của các bộ; Thanh tra tỉnh sẽ tiếp nhận chức năng thanh tra của Thanh tra các sở, huyện. Như vậy, một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh sẽ phải được điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với chức năng mới khi tổ chức sắp xếp hệ thống thanh tra.

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn khi Điều 15 dự thảo Luật quy định: Thanh tra tỉnh “giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác thanh tra”. Đại biểu cho rằng, quy định này đang kế thừa quy định hiện hành, áp dụng trong trường hợp thanh tra các sở, ngành vẫn còn. Tuy nhiên, khi hệ thống thanh tra được sắp xếp lại, cấp tỉnh chỉ còn một tổ chức là Thanh tra tỉnh, thì nội dung “quản lý nhà nước về công tác thanh tra” là như thế nào, quản lý ai?

Theo đại biểu, chức năng, nhiệm vụ của thanh tra cũng cần làm rõ hơn cơ chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành và giữa Chánh thanh tra tỉnh với Giám đốc các sở, ngành. Bởi khi sắp xếp bộ máy, biên chế, cán bộ của thanh tra các sở, ngành cũng phải chuyển sang Thanh tra tỉnh. “Vậy cơ chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành, sự phối hợp giữa người đứng đầu cơ quan Thanh tra tỉnh với các sở, ngành khi thực hiện thanh tra chuyên đề như thế nào?”

Do đó, đại biểu đề nghị, nên quy định rõ hơn về mặt nguyên tắc cơ chế phối hợp này, bởi thực tế thanh tra chuyên ngành rất chuyên sâu, phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra tỉnh với cơ quan chuyên môn.

Về việc tạm dừng thanh tra, khoản 1 Điều 30 dự thảo Luật quy định: Người ra quyết định thanh tra quyết định tạm dừng thanh tra trong trường hợp sau đây: a) Có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cuộc thanh tra; b) tình hình thực tế ảnh hưởng đến việc tiến hành thanh tra trực tiếp theo yêu cầu của của cơ quan, người có thẩm quyền; c) Đối tượng thanh tra đề nghị tạm dừng thanh tra mà có lý do chính đáng và được người ra quyết định thanh tra đồng ý; trong trường hợp này, thời hạn tạm dừng thanh tra không quá 30 ngày làm việc.

ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, quy định tại điểm a, c khá rõ. Tuy nhiên, ở điểm b chưa rõ “tình hình thực tế ảnh hưởng đến việc tiến hành thanh tra trực tiếp theo yêu cầu của của cơ quan, người có thẩm quyền” là khi nào? Ai xác định điều này? Do vậy, dự thảo cần quy định rõ hơn để thuận lợi trong triển khai.

Bổ sung hành vi bị cấm trong hoạt động thanh tra

Liên quan điều khoản chuyển tiếp (Điều 64 dự thảo Luật), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cần rà soát thêm các trường hợp khác để bảo đảm đầy đủ, thuận lợi trong thực hiện. Ví dụ như bổ sung quy định chuyển tiếp về việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đối với các kết luận thanh tra; việc đối tượng thanh tra thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra kết thúc hoạt động sau sắp xếp.

Khoản 1 Điều 64 quy định: Các cuộc thanh tra có quyết định thanh tra được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra 2022. Đại biểu phân tích, đoàn thanh tra ở sở thường do Chánh thanh tra làm trưởng đoàn. Nếu Chánh thanh tra chuyển sang Thanh tra tỉnh thì tiếp tục thực hiện như thế nào cũng cần được quy định rõ.

Tán thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy thanh tra, song ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay có một số nhiệm vụ thanh tra của bộ, ngành mang tính chuyên ngành rất đặc biệt, như với hạt nhân. Nếu chuyển sang Thanh tra Chính phủ đòi hỏi có bộ máy chuyên môn.

Đại biểu đề nghị cân nhắc việc có thể duy trì thanh tra chuyên ngành riêng biệt, có tính chất đặc thù ở một số bộ ngành, với điều kiện phải rà soát kỹ, để chia sẻ bớt gánh nặng cho Thanh tra Chính phủ; tương tự ở cấp địa phương cũng vậy.

ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang) bổ sung, Điều 6 dự thảo Luật quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động thanh tra. Trong đó, khoản 6 quy định: “Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra” là “chưa đầy đủ”.

Đại biểu đề nghị bổ sung hành vi “làm sai lệch hoặc sửa đổi tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra”.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lam-ro-co-che-phoi-hop-giua-thanh-tra-tinh-voi-cac-so-nganh-10371770.html
Zalo