ĐBQH: 'Mới thông tin kiểm tra lòng se điếu, đi đến đâu cũng báo hết hàng'

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho hay, mới thông tin là sẽ cho kiểm tra mà thanh tra đi đến đâu cũng thấy thông báo 'hết lòng xe điếu'.

Nội dung trên được đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ tại buổi thảo luận tổ về dự Luật Thanh tra sửa đổi diễn ra chiều nay (8/5).

Theo bà Lan, khi sửa luật cần tính toán kĩ và xây dựng mô hình để Thanh tra Chính phủ có thể bao quát hết các chuyên ngành, vụ, cục. Đồng thời cần tập trung thay đổi hệ thống thanh tra, trong đó có việc bỏ cấp sở, quận, huyện, chỉ giữ cấp Chính phủ, tỉnh/thành.

Dẫn câu chuyện thực tế tại Sở Y tế TP.HCM, bà Lan nhận thấy Thanh tra Sở chỉ làm ở sở. Còn vụ việc xảy ra ở quận huyện hay tại các phòng khám, hiệu thuốc thì chỉ thanh tra ở khu vực mới nắm được. Vậy khi không còn thanh tra huyện, vụ, cục, sẽ khó phản ứng kịp thời nếu xảy ra sự việc ở địa phương.

Nữ đại biểu cũng cho rằng, phải phân biệt rõ thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tránh hình thức. "Thanh tra mà thông báo trước thì không "vở sạch chữ đẹp" mới là lạ, thậm chí có trường hợp chây ì, vi phạm như thường. Như vậy sẽ không hiệu quả", bà nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

Đại biểu TP.HCM lấy thêm ví dụ vụ lòng se điếu xôn xao dư luận những ngày qua. "Tôi vừa thông báo sẽ kiểm tra lòng se điếu thì sau đó đi đâu người ta cũng báo hết hàng. Rõ ràng có dấu hiệu né tránh", bà nói.

Bà Lan cho rằng thanh tra đột xuất mới thể hiện đúng vai trò, nghiệp vụ. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ để tránh bị lạm dụng hoặc trở thành công cụ "ghét thì thanh tra đột xuất". Bà đề nghị sau mỗi lần thanh tra đột xuất phải có báo cáo giải trình nguồn thông tin, căn cứ xác đáng.

Bà cũng trăn trở khi ngành thanh tra dù có nỗ lực, song một số hoạt động thanh tra chưa đạt hiệu quả được như mong mỏi của người dân. "Thực tế vẫn còn nhiều vi phạm không riêng trong ngành thực phẩm mà nhiều ngành khác", bà Lan nói.

Thống nhất đầu mối quản lý thanh tra

Góp ý cho dự Luật Thanh tra, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) cho hay, việc sắp xếp lại tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra giúp tăng tính độc lập và khách quan trong hoạt động thanh tra, đặc biệt là trong các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng hoặc vi phạm trong nội bộ ngành.

Khi không còn chịu sự chi phối trực tiếp từ bộ chủ quản, thanh tra sẽ có điều kiện hoạt động công minh, minh bạch hơn. Việc thống nhất đầu mối quản lý giúp giảm thiểu sự chồng chéo giữa các đoàn thanh tra khác nhau và kiểm toán, tạo thuận lợi cho đối tượng thanh tra, nhất là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, theo đại biểu, khi tách thanh tra ra khỏi các bộ, có thể phát sinh tình trạng thiếu kết nối thông tin giữa cơ quan thanh tra và bộ quản lý chuyên ngành.

Vì vậy, cần xác lập cơ chế phối hợp rõ ràng, thường xuyên và chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ và các bộ chuyên ngành, bảo đảm chia sẻ thông tin, dữ liệu, văn bản hướng dẫn cũng như hỗ trợ nghiệp vụ liên ngành.

Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên ngành tại Thanh tra Chính phủ có chuyên môn sâu, thông qua việc biệt phái, luân chuyển cán bộ từ các bộ sang, hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành định kỳ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Ngô Trung Thành cho rằng, dự Luật Thanh tra sửa đổi thu gọn hệ thống cơ quan thanh tra. Đây là cuộc cách mạng rất lớn trong hệ thống thanh tra, hòa chung vào cuộc cách mạng tổ chức bộ máy.

Tuy nhiên, ông đề nghị có các quy định để bảo đảm vận hành bao quát, khi mà thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành không còn phân định. Khi ấy vai trò của Thanh tra Chính phủ rất lớn - với trách nhiệm thanh tra toàn bộ đối với việc thực hiện, chấp hành chính sách pháp luật trong các lĩnh vực, ở các bộ, ngành không có thanh tra. Còn các bộ có trách nhiệm kiểm tra, bộ nào kiểm tra bộ đấy.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dbqh-moi-thong-tin-kiem-tra-long-se-dieu-di-den-dau-cung-bao-het-hang-ar942224.html
Zalo