Lạm phát tăng, thị trường lao động hụt hơi: Tác động từ chính sách của ông Trump dần lộ rõ
Loạt dữ liệu kinh tế mới cho thấy chính sách thuế quan và nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy lạm phát và làm suy yếu thị trường lao động.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Financial Times).
Những tín hiệu đáng ngại
Thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bắt đầu khiến giá cả tại các cửa hàng đi lên. Các khảo sát liên bang cho thấy chiến dịch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp cũng đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng việc làm.
Nhìn chung, tác động từ các chính sách mà ông Trump triển khai trong 6 tháng đầu tiên sau khi quay trở lại Nhà Trắng đang dần hiện rõ trong nền kinh tế.
Trong những năm gần đây, giới đầu tư đã quen với việc Mỹ liên tục vượt qua những thử thách cam go, đầu tiên là đại dịch COVID-19 và tiếp đến là chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Nhưng lần này, áp lực đang gia tăng trong nền kinh tế theo các cách rất khó đoán.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đi lên 2,7% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với ước tính của các chuyên gia.
Tuy nhiên, giá những mặt hàng nhập khẩu quan trọng như quần áo và đồ nội thất đã tăng đáng kể, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới vì thuế quan.

Ngoài ra, ngân hàng UBS tính toán rằng giá những mặt hàng cốt lõi - không bao gồm ô tô - đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng ba năm. Trừ trường hợp kinh tế suy thoái hay thuế quan hạ xuống, các nhà phân tích của UBS dự kiến phải đến năm 2028 lạm phát toàn phần của Mỹ mới quay về mức 2,3% như trong tháng 4.
Ông Omair Sharif, Giám đốc Inflation Insights, viết trong lưu ý gửi tới khách hàng: “Báo cáo lạm phát tháng 6 cho thấy thuế quan đang bắt đầu gây hậu quả kinh tế”.
Các vết rạn nứt cũng đã bắt đầu xuất hiện trong thị trường lao động. Tốc độ tăng trưởng việc làm trong những ngành phụ thuộc nhiều vào người nhập cư trái phép có vẻ đã chậm lại. Lực lượng lao động nước ngoài ở Mỹ cũng giảm sút rõ rệt kể từ tháng 3.
Hiện tại, người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa cắt giảm chi tiêu và các chủ lao động vẫn tạo ra thêm việc làm. Vào ngày 15/7, một số ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II tốt hơn dự kiến.
Song, câu hỏi đặt ra là liệu những xu hướng trên có thể tiếp diễn và nếu không thì nền kinh tế Mỹ có thể duy trì sức mạnh trong bao lâu.
Theo ước tính của Yale Budget Lab, mức thuế quan hiệu lực trung bình của Mỹ tại ngày 13/7 vào khoảng 20,6% - con số cao nhất kể từ năm 1910.

Có thể phải mất vài tháng nữa tác động của thuế quan mới thẩm thấu hoàn toàn vào nền kinh tế, bởi ông Trump có khả năng sẽ công bố thêm các thỏa thuận thương mại và doanh nghiệp chưa tung ra hết số hàng tồn kho họ tích trữ trước khi thuế có hiệu lực.
Tuy nhiên, Yale Budget Lab ước tính hàng hóa tăng giá có thể khiến các hộ gia đình chịu thiệt hại tương đương với thu nhập hàng năm giảm 2.800 USD.
Chi phí của các nguyên liệu đầu vào quan trọng như nhôm thép đã nhảy vọt. Giá đồng lập kỷ lục sau khi ông Trump công bố mức thuế 50% bắt đầu từ này 1/8. Thuế quan đánh vào đồng gần như chắc chắn sẽ khiến chi phí xây dựng nhà ở, trung tâm dữ liệu và nhà máy chất bán dẫn đi lên.
Bà Isabella Weber, Giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst, cảnh báo khi mức thuế trở nên rõ ràng, doanh nghiệp có thể dùng đó làm cái cớ để tăng giá mà không sợ mất thị phần. Khi làn sóng tăng giá diễn ra trên diện rộng, nó có thể trở thành một vòng lặp và kéo giá cả liên tục đi lên.
Lý do để lạc quan
Các quan chức Nhà Trắng phản đối quan điểm chung của giới chuyên gia là các nhà nhập khẩu sẽ chuyền phần chi phí tăng vì thuế quan sang phía người tiêu dùng.
Sau khi báo cáo CPI tháng 6 được công bố, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội rằng lạm phát vẫn “rất thấp” và kêu gọi Fed hạ lãi suất.
Ông Alan Cole, nhà kinh tế cấp cao tại Tax Foundation, nói “Đạo luật to đẹp” của ông Trump có thể hỗ trợ tăng trưởng ở một số khía cạnh. Ông đánh giá: “Ngay cả khi Mỹ có những chính sách kém hiệu quả ở một số lĩnh vực, nền kinh tế vẫn có khả năng duy trì [sức mạnh tổng thể]”.
Các ngân hàng và công ty cung cấp thẻ tín dụng lớn gần đây đã báo cáo về những dấu hiệu cho thấy chi tiêu yếu ở nhóm người có thu nhập thấp. Nhưng chỉ riêng điều đó có lẽ là không đủ để cản bước nền kinh tế, bởi những người giàu đang được hưởng lợi từ đà tăng của thị trường chứng khoán và đang nâng đỡ tiêu dùng nói chung.
Ông Jeremy Barnum, Giám đốc tài chính ngân hàng JPMorgan, phát biểu trong buổi công bố kết quả kinh doanh vào ngày 15/7: “Chúng tôi không thấy dấu hiệu rằng sức khỏe tài chính của các khách hàng đang xấu đi. Về cơ bản, người tiêu dùng Mỹ có vẻ vẫn ổn”.