Lạm phát quý I/2025 tăng 3,01%
Tính chung quý I/2025, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 3,01%.
Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố sáng 6/4, CPI quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 8 chỉ số tăng và 3 chỉ số giảm.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất, tăng 14,4% (làm CPI chung tăng 0,78 điểm phần trăm) do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21 ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.
Tiếp theo, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,11% (làm CPI chung tăng 0,96 điểm phần trăm) do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng.
Trong đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,11% (góp phần làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm) do nhu cầu sử dụng điện tăng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 11/10/2024.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất, tăng 14,4% trong quý I/2025. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,78% (góp phần làm CPI chung tăng 1,27 điểm phần trăm), trong đó chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 12,49% (tác động làm CPI chung tăng 0,42 điểm phần trăm) do thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết; chỉ số giá gạo tăng 0,97%; chỉ số giá thịt gia cầm tươi sống tăng 1,06%.
Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,16% (góp phần làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm).
Bên cạnh đó, một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI quý I/2025, cụ thể, chỉ số nhóm giao thông giảm 2,4% (góp phần làm CPI chung giảm 0,23 điểm phần trăm), trong đó giá xăng dầu giảm 9,73%; dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 6,06%.
Chỉ số giá nhóm giáo dục giảm 0,61% (góp phần làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm) do trong năm học 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã miễn, giảm mức học phí cho các đối tượng theo quy định.
Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,59% (góp phần làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm) do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đã được đưa ra thị trường một thời gian.
Bình quân quý I/2025, lạm phát cơ bản tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,22%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2025, Cục thống kê cho biết, kim ngạch đạt 38,51 tỷ USD, tăng 23,8% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 29,02 tỷ USD, tăng 15,0%, chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 73,82 tỷ USD, tăng 9,0%, chiếm 71,8%.
Về nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2025 đạt 36,88 tỷ USD, tăng 12,9% so với tháng trước và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 99,68 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 36,78 tỷ USD, tăng 19,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 62,9 tỷ USD, tăng 15,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 xuất siêu 1,63 tỷ USD. Tính chung quý I/2025, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,16 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,7 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,76 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm dầu thô) xuất siêu 10,92 tỷ USD.
Trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 7,58 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 9,22 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 3,16 tỷ USD), tăng 18%. Nhập siêu dịch vụ quý I/2025 là 1,64 tỷ USD.