Lạm phát không ngăn ECB giảm lãi suất
Mặc dù lạm phát tại khu vực đồng euro (Eurozone) tăng tốc vào tháng 11, cộng thêm kỳ vọng lạm phát cũng tăng nhẹ, điều này có thể khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có những bước đi thận trọng hơn, song không ngăn được cơ quan này tiếp tục cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 12.
Theo cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát giá tiêu dùng tại Eurozone ở mức 2,3% vào tháng 11, cao hơn mức tăng 2,0% của tháng trước và cũng cao hơn mục tiêu 2% của ECB. Đáng chú ý, lạm phát cơ bản - dữ liệu được ECB theo dõi sát khi thiết lập lãi suất - vẫn giữ nguyên ở mức 2,7%, do sự chậm lại một chút trong chi phí dịch vụ đã bị xóa nhòa bởi giá hàng hóa cao hơn.
Kết quả cuộc khảo sát do ECB thực hiện cũng cho thấy kỳ vọng lạm phát trung bình của khu vực đồng euro trong 12 tháng tới tăng lên 2,5% trong tháng 10, từ mức 2,4% trước đó; trong khi kỳ vọng trong ba năm tới vẫn không đổi ở mức 2,1%.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các dữ liệu lạm phát vừa được công bố không làm thay đổi quan điểm rằng lạm phát đang dần quay trở lại mục tiêu của ECB trên cơ sở bền vững hơn vào năm tới. Cũng chính bởi vậy, việc cắt giảm thêm lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 12/12 tới đây là điều được dự báo chắc chắn sẽ xảy ra.
Câu hỏi hiện tại là liệu ECB sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản hay lựa chọn động thái lớn hơn, tức cắt giảm tới 50 điểm cơ bản.
Hiện, luồng quan điểm ủng hộ việc chỉ nên cắt giảm lãi suất 25 điểm cho rằng giá dịch vụ vẫn quá cao. Hơn nữa, ngay cả khi tăng trưởng thấp, chúng vẫn phù hợp với kịch bản “hạ cánh mềm” - mục tiêu của ECB từ trước đến nay.
Tiêu biểu trong nhóm này phải kể tới thành viên Hội đồng Quản trị Isabel Schnabel. ECB hiện đang được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất tại mọi cuộc họp sắp tới, ít nhất là cho đến tháng 6 năm sau, và lãi suất tiền gửi 3,25% hiện được dự báo sẽ kết thúc năm 2025 ở mức 1,75% - mức đủ thấp, theo quan điểm của nhiều nhà kinh tế, để bắt đầu kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, Schnabel dường như phản đối những dự đoán đó, lập luận rằng các biện pháp kích thích của ECB không giải quyết được các vấn đề về cấu trúc và thậm chí lãng phí không gian chính sách có giá trị khi một cú sốc kinh tế đòi hỏi ECB phải hành động nhanh chóng.
“Với triển vọng lạm phát, tôi nghĩ chúng ta có thể dần chuyển sang trung lập nếu dữ liệu đầu vào tiếp tục xác nhận đường cơ sở của chúng ta”, Schnabel cho biết, ám chỉ mức lãi suất không kích thích hoặc làm chậm tăng trưởng. “Tôi sẽ cảnh báo không nên đi quá xa, tức là đi vào vùng kích thích. Tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ phù hợp theo quan điểm hiện tại”, Schnabel nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg mới đây.
Schnabel cũng không tán đồng với một số nhà hoạch định chính sách đã kêu gọi cắt giảm lãi suất nhanh hơn và có thể đưa về vùng kích thích vì lạm phát đang giảm nhanh hơn dự đoán và có thể không đạt được mục tiêu. “Rủi ro lạm phát hiện đã cân bằng hơn. Nhưng tôi không thấy rủi ro đáng kể nào về việc giảm xuống, đặc biệt là rủi ro khiến chúng tôi phải phản ứng”, bà cho biết.
Tuy nhiên, luồng quan điểm thứ hai lại đang ủng hộ việc cắt giảm lãi suất nhanh hơn khi cho rằng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ suy thoái, do đó cần có động lực lớn hơn để bảo vệ việc làm.
Đơn cử, trong phát biểu mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau - một nhà hoạch định chính sách của ECB - cho biết, cơ quan này nên giữ nguyên các lựa chọn cho một đợt cắt giảm lãi suất lớn hơn vào tháng tới. Ông cũng cho rằng lãi suất chính sách của ngân hàng này cuối cùng có thể giảm xuống mức một lần nữa kích thích tăng trưởng.
“Nhìn từ hôm nay, có mọi lý do để cắt giảm (lãi suất) vào ngày 12/12. Tính tùy chọn nên vẫn mở về quy mô của đợt cắt giảm, tùy thuộc vào dữ liệu đầu vào, dự báo kinh tế và đánh giá rủi ro của chúng tôi”, Villeroy cho biết trong bài phát biểu tại Ngân hàng Trung ương Pháp. Ông nói thêm rằng ECB cũng không nên loại trừ khả năng cắt giảm tại các cuộc họp tiếp theo.
Khi lạm phát ổn định ở mức mục tiêu 2% của ECB và triển vọng tăng trưởng vẫn chậm chạp, Villeroy cho biết lãi suất ít nhất sẽ hướng đến mức không hạn chế cũng không kích thích tăng trưởng, mà ông đặt ở mức 2-2,5%. “Chúng ta có nên tiến xa hơn không...? Tôi sẽ không loại trừ khả năng này trong tương lai, nếu tăng trưởng vẫn ở mức thấp và lạm phát có nguy cơ giảm xuống dưới mục tiêu”, Villeroy nhấn mạnh.