Lắm mối chi tiêu chờ... thưởng Tết

Người lao động đang thấp thỏm, mong ngóng thưởng Tết như mong 'mẹ về chợ'.

Thưởng Tết là khoản thu nhập, là niềm hy vọng của người lao động vào cuối năm (ảnh minh họa)

Thưởng Tết là khoản thu nhập, là niềm hy vọng của người lao động vào cuối năm (ảnh minh họa)

Những ngày này, câu chuyện thưởng Tết là đề tài được người lao động bàn tán sôi nổi.

Người lao động ở mọi lĩnh vực từ các doanh nghiệp nước ngoài, công ty lớn hay nhỏ, ai cũng thấp thỏm chờ đợi khoản thưởng Tết.

Tiền thưởng Tết mỗi năm sẽ một khác, bởi sẽ tính theo năng suất, thi đua và tình hình kinh doanh trong năm của công ty.

Nhưng tựu chung lại, thưởng Tết là khoản thu nhập, là niềm hy vọng của nhiều người lao động vào cuối năm.

Số tiền đó đã được họ tính toán, dự liệu cho bao việc chi tiêu cho Tết, như: biếu cha mẹ, mua sắm quần áo mới cho con, quà cáp hai bên nội ngoại, sắm sanh cho gia đình… Nếu ai ở xa thì còn lo chi phí đi lại, trăm thứ đều đang trông vào khoản thưởng Tết.

Người lao động ở các khu công nghiệp đa phần đều làm ăn xa quê. Tết là dịp họ được về sum họp với gia đình, ở với bố mẹ vài ngày ngắn ngủi, tranh thủ thăm hỏi họ hàng, bạn bè sau một năm đi làm ăn xa. Vậy nên mọi khoản chi tiêu phải được tính toán kỹ lưỡng, chắt chiu, tiết kiệm. Cả một năm làm việc cật lực, chăm chỉ, tăng ca không ngại khổ, nhiều người chỉ mong muốn cuối năm nhận khoản tiền thưởng Tết xứng đáng.

Việc các doanh nghiệp công bố mức thưởng Tết sớm thể hiện sự quan tâm đối với người lao động, là hành động thiết thực nhất thể hiện sự ghi nhận, tri ân những đóng góp của họ đối với công ty. Mức lương ổn định hằng tháng, cộng với khoản thưởng Tết xứng đáng cũng là tiêu chí giữ chân người lao động ở lại và cống hiến hết mình với doanh nghiệp.

Vậy nên người lao động ai cũng muốn biết sớm thông tin thưởng Tết để họ còn có kế hoạch năm nay “ăn Tết to hay nhỏ”, “về quê hay không về quê”. Bởi đa phần người lao động cứ phải nhận được tiền thưởng, mới đi sắm Tết. Nếu tiền thưởng ít thì Tết năm đó chi tiêu dè xẻn, có khi nhiều người phải chi lõm vào tiền tiết kiệm.

Câu chuyện thưởng Tết cuối năm cũng mang đậm các cảm xúc vui buồn. Có những doanh nghiệp thưởng Tết cả tiền trăm triệu nhưng cũng có đơn vị ngang một tháng lương cơ bản, nhiều đơn vị còn thấp hơn.

2024 tiếp tục là một năm có quá nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cắt giảm nhân sự, “việc ít, người nhiều” cũng khiến cho người lao động khó khăn hơn. Tuy hiểu và sẻ chia với doanh nghiệp, chủ lao động, nhưng họ cũng mong khấm khá hơn.

Vậy nên chuyện thưởng Tết năm nay đem lại nhiều cảm xúc, với nhiều người “có là vui lắm rồi”, nhưng đa số người lao động đều mong được thưởng Tết phù hợp, xứng đáng.

Theo Bộ luật Lao động 2019, không có quy định cụ thể về việc doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động.

Nhưng thưởng Tết từ lâu trở thành truyền thống tốt ở của các doanh nghiệp ở Việt Nam với nhiều ý nghĩa động viên người lao động sau một năm làm việc vất vả. Dù năm đó có thuận lợi hay khó khăn, doanh nghiệp nỗ lực tìm nhiều phương án sản xuất, kinh doanh để duy trì hoạt động, tạo việc làm và thực hiện việc trả lương, thưởng Tết cho người lao động. Mặt khác, khoản tiền thưởng Tết cũng là cách để giữ chân người lao động có tay nghề, có kinh nghiệm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Tết đang về rất gần. Tết to hay nhỏ với người lao động đều phụ thuộc vào tiền thưởng cuối năm.

KỲ LAN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/lam-moi-chi-tieu-cho-thuong-tet-401366.html
Zalo