Lâm Hà: Tháo gỡ khó khăn để phát triển vùng DTTS

Cùng với các chính sách khác, huyện Lâm Hà đang tập trung toàn diện nguồn vốn để thực hiện các dự án theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn. Qua đó, từng bước cải thiện đời sống, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quyền lợi đối với người dân.

Huyện Lâm Hà tổ chức các lớp xóa mù chữ cho bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn

Huyện Lâm Hà tổ chức các lớp xóa mù chữ cho bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn

Nằm trong Dự án 5, tiểu Dự án 1 đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS thuộc Chương trình MTQG, lớp học xóa mù chữ tại xã Tân Thanh bắt đầu mở lớp vào tháng 10/2023 với hơn 35 học viên. Theo thầy Trần Văn Phương - Giáo viên tại điểm Trường Konpang thuộc Trường Tiểu học Tân Thanh 2 (xã Tân Thanh): “Trên cơ sở khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các giáo viên đã soạn giảng giáo án, lựa chọn phương pháp dạy phù hợp để học viên dễ tiếp thu nhất. Điều thuận lợi là các giáo viên đều biết tiếng người dân tộc bản địa nên trong quá trình dạy đôi khi sử dụng cả tiếng đồng bào để truyền đạt, giúp bà con hiểu nhanh hơn, có hiệu quả hơn. Qua khảo sát, đến nay, phần lớn các học viên đã biết đọc, biết viết căn bản. Nhiều người đã bắt đầu tự tin khi đến xã giải quyết các thủ tục hành chính, tìm hiểu sách báo, tra tìm thông tin về thuốc phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi… từ đó, vận dụng vào lao động, sản xuất có hiệu quả”.Bà Nguyễn Thị Thanh Nhung - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: "Huyện Lâm Hà có dân số gần 150 nghìn người với nhiều dân tộc anh em đến từ nhiều vùng, miền trong cả nước về sinh sống; trong đó, người đồng bào DTTS chiếm gần 24%. Cho tới thời điểm này, có thể khẳng định rằng, các chương trình MTQG, chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc đã và đang phát huy hiệu quả, huy động được tối đa nguồn lực, đầu tư có hiệu quả vào các dự án, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân”.

Trong quá trình thực hiện chương trình MTQG, huyện Lâm Hà còn gặp một số khó khăn như việc mua sắm giống cây trồng, vật nuôi và hàng hóa do người dân địa phương sản xuất vẫn vướng về quy trình xác định giá, ký biên nhận, và đảm bảo hồ sơ thanh quyết toán theo quy định, nhất là trong bối cảnh chủ thể mua sắm không bắt buộc đấu thầu nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ chứng từ theo yêu cầu; chưa có khối lượng giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, vướng mắc về giải quyết thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất; khó khăn trong việc duy trì sĩ số lớp, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng và xóa mù chữ kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn. Cùng với đó, khó khăn trong mua sắm đầu vào tại địa phương; nhu cầu học nghề của các nhóm này còn thấp; đa số chỉ quan tâm đến tư vấn việc làm nhằm tạo thu nhập trước mắt, dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình MTQG và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương, thời gian tới, huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp và các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần theo phân cấp trên địa bàn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý thực hiện chương trình MTQG huyện giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.

Cùng với đó, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần chương trình, đặc biệt là đối với nguồn vốn đầu tư công. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện.

Trong thực hiện, địa phương bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân, phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thực hiện chương trình. Phối hợp lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG, việc thực hiện các chính sách nói chung và các chính sách đặc thù với các dự án, tiểu dự án nội dung thuộc kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn...

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhung, địa phương đã có những đề xuất, kiến nghị cụ thể đến với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc bổ sung mở rộng đối tượng “hộ cận nghèo người đồng bào DTTS” thuộc đối tượng hỗ trợ của các dự án tại Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ. Còn đối với UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện Lâm Hà đề nghị hướng dẫn đối với tiểu Dự án 2, Dự án 3 về trường hợp không thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu thì thủ tục giao kinh phí cho đơn vị chủ trì dự án và thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ được thực hiện như thế nào về hóa đơn, chứng từ, thẩm định giá… Đồng thời, hướng dẫn giải quyết khó khăn về đất đai cho các hộ nghèo có đủ điều kiện để được hỗ trợ nhà ở.

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202505/lam-ha-thao-go-kho-khan-de-phat-trien-vung-dtts-75513ed/
Zalo