Khi cây dâu tằm tăng cả 3 tiêu chí
Trong bước chuyển tăng cả 3 tiêu chí diện tích cây dâu, sản lượng lá dâu và sản lượng kén tằm, ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng tiếp tục mở ra những triển vọng mới về gia tăng giá trị thu nhập chế biến tơ tằm trong thời gian tới.

Ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng đang đứng đầu cả nước với 70% diện tích cây dâu, 80% sản lượng kén hàng năm
Thống kê tổng diện tích dâu tằm toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay gần 10.300 ha, tăng gần 2.900 ha so với năm 2018. Trong đó, diện tích dâu tằm giống mới hơn 8.200 ha, ứng dụng công nghệ cao hơn 2.000 ha. Trung bình mỗi năm chuyển đổi, trồng mới khoảng 3.000 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại giống dâu tằm mới, năng suất bình quân 22 - 23 tấn/ha, tập trung phần lớn địa bàn TP Bảo Lộc và các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông. Sản lượng lá dâu tằm các giống mới tăng mỗi năm khoảng 19,5% so sánh với các giống dâu tằm cũ. Cũng so với năm 2018, toàn tỉnh trong năm 2024 cung cấp 377.220 hộp giống tằm lưỡng hệ, tăng gần 217.900 hộp, đáp ứng nhu cầu sản xuất kén trên địa bàn, tương ứng với tỷ lệ gần 57,7%.
Đến nay, so với năm 2018, ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng tăng cả 3 tiêu chí gồm: diện tích cây dâu (39%), sản lượng lá dâu (21%) và sản lượng kén tằm (51,5%). Qua đó, toàn tỉnh đã hình thành và phát triển 12 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tơ tằm cấp huyện và cấp tỉnh, thu hút khoảng 630 nông hộ tham gia. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 150 cơ sở thu mua kén tằm, 36 cơ sở ươm tơ với công suất chế biến 1 tấn kén/cơ sở/ngày. Dây chuyền chế biến tơ lụa trong tỉnh được đầu tư theo công nghệ hiện đại 100 dãy ươm tơ tự động với 400 mối/dãy, đáp ứng chất lượng sản phẩm trên thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Công nghiệp dệt trên 5 triệu mét lụa mộc/năm, công nghiệp may lụa tơ tằm khoảng 200.000 sản phẩm/năm, hàng năm ổn định việc làm trên 2.000 lao động địa phương. Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp bằng công nhận 6 làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, chế biến tơ Đông Anh 3, Đông Anh 5 (Nam Ban, Lâm Hà); Thôn 3 (Lộc Tân, Bảo Lâm); Đạ Kho; Đạ Pal (Đạ Huoai); Đạ Rsal (Đam Rông).
“Với kết quả ứng dụng khoa học, công nghệ về giống dâu, giống tằm, công nghệ nuôi tằm con tập trung, nuôi tằm lấy kén ươm, ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng hiện nay đứng đầu cả nước với 70% diện tích cây dâu, 80% sản lượng kén; dây chuyền hiện đại, công suất cao chiếm 75% năng lực ươm tơ, 70% năng lực xe tơ, đáp ứng nhu cầu ươm tơ, dệt may chất lượng cao phục vụ thị trường nội tiêu và xuất khẩu…”, Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng cho biết. Theo đó, toàn tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 180 triệu USD/năm kim ngạch xuất khẩu tơ, sợi dệt, vải các loại, đứng thứ 2 sau ngành cà phê. Thị trường xuất khẩu phần lớn sang Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Brunei, Bangladesh. Những doanh nghiệp tiêu biểu thu mua sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu tơ tằm như: Công ty TNHH Dệt tơ tằm VietSilk, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Đầu tư Châu Á, Công ty TNHH Xe tơ Dệt lụa Hà Bảo, Công ty TNHH Giang Ngọc; các doanh nghiệp sản xuất tơ lụa của Trung Quốc tại địa bàn huyện Đạ Huoai, Đức Trọng, TP Bảo Lộc góp phần cạnh tranh giá thu mua kén tằm ổn định, mở rộng diện tích cây dâu tằm giống mới, ứng dụng khoa học, kỹ thuật canh tác, đã nâng doanh thu trên giá trị diện tích đất trong năm 2024 lên từ 350 - 400 triệu đồng, tăng từ 2 - 3 lần so với doanh thu các loại cây cà phê, chè, tiêu, điều…
Thách thức hiện nay đối với ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng vẫn còn nhập khẩu 90% nguồn giống trứng tằm lưỡng hệ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch không được kiểm soát dịch bệnh, nguy cơ rủi ro cao trong quá trình sản xuất. Bởi vậy trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng cần tăng cường đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất trứng giống tằm, nuôi tằm lấy kén. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất trứng giống tằm, bồi dục giống tằm gốc; nâng cấp, xây dựng mới cơ sở nuôi tằm con tập trung công nghệ cao đáp ứng nhu cầu ngày càng mở rộng diện tích trồng dâu năng suất cao, nuôi tằm tăng sản lượng kén thu hoạch trong toàn tỉnh.