Làm gì để xốc lại tiến độ dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn?
Sau 16 tháng thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đang chậm tiến độ khoảng 0,5% so với kế hoạch do các vướng mắc về mặt bằng cũng như mỏ vật liệu tại khu vực đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Thời gian qua đã nhiều lần UBND tỉnh này xin lùi tiến độ bàn giao mặt bằng, đến nay mặt bằng dù chỉ còn khoảng 2% nhưng lại xôi đỗ đang khiến cho công tác thi công chưa đạt hiệu quả, hiện nhà thầu đang bố trí hơn 3 nghìn CBCNV với 42 mũi thi công, tăng ca tăng kíp để bù tiến độ. Vậy làm sao để tháo gỡ các nút thắt này, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án?
VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Cao Việt Hùng, Phó Giám đốc Ban QLDA 2 xung quanh nội dung này.
PV: Xin ông cho biết tiến độ của dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đến thời điểm hiện nay?
Ông Cao Việt Hùng: Hiện nay Dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn giá trị sản lượng đang chậm khoảng 0,5% so với kế hoạch. Các hạng mục chính trong dự án bao gồm: Đường, cầu và 3 hầm, hiện tiến độ thi công hầm số 1 và số 2 đang vượt so với kế hoạch, đã thông hầm trước từ 3-4 tháng.
Riêng hầm số 3 thực tế có sự sai khác về địa chất, địa chất yếu hơn so với dự báo trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, hiện nay mỗi ống hầm đã đào được 1.000m/3.200m, nhà thầu và chủ đầu tư quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2025.
Với 79 cầu trên tuyến về cơ bản tiến độ đạt kế hoạch, trong đó cầu lớn nhất vượt sông Vệ đang thi công mặt cầu.
Về tiến độ thi công đường đang lo ngại nhất, vì tổng khối lượng nền đất đắp rất lớn trên 10 triệu m3. Ảnh hưởng đến tiến độ thi công nền đường có mấy lý do, thứ nhất về giải phóng mặt bằng, hiện mặt bằng phía tỉnh Bình Định đã hoàn thành 100% có thể đáp ứng tiến độ hạng mục đường; tuy nhiên phía Quảng Ngãi có tổng chiều dài 57km hiện nay còn 1,8km đang vướng mặt bằng.
Thứ hai là về các mỏ vật liệu, hiện phía Quảng Ngãi tổng nhu cầu đất đắp khoảng hơn 8 triệu m3, tuy nhiên nhà thầu mới xác định được các mỏ với trữ lượng khoảng 5,3 triệu m3.
Thứ 3 liên quan đến vận chuyển vật liệu đất đắp từ mỏ về công trường xa, việc vận chuyển phải qua một số khu dân cư nên năng suất vận tải không cao.
PV: Một trong những nút thắt của dự án chính là mặt bằng, vậy hướng giải quyết của địa phương để gỡ nút thắt này thế nào?
Ông Cao Việt Hùng: Các vướng mắc về mặt bằng thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu liên quan đến đất ở, đất thổ cư, 1,8km này nằm xôi đỗ và chủ yếu ở đoạn đầu tuyến, liên quan đến 2 huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa.
Hiện nay 23 khu tái định cư ở Quảng Ngãi đã xây dựng xong, một số hộ dân đã hoàn thành xây dựng nhà ở khu TĐC mới, còn một số hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng việc xây dựng nhà mới chưa hoàn thành.
Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với nhà thầu, Ban QLDA sắp xếp các thứ tự ưu tiên, những vị trí nào liên quan đến đường găng tiến độ, thì địa phương phải lên kế hoạch ưu tiên thuyết phục, hỗ trợ người dân để bàn giao trước và hỗ trợ các phương tiện giúp người dân chuyển nhà sang khu TĐC mới.
Quảng Ngãi cam kết 30/4 sẽ xong Đức Phổ và Mộ Đức, trong tháng 5 sẽ bàn giao nốt mặt bằng tại Tư Nghĩa và Nghĩa Hành.
PV: Hiện nay một số mỏ vật liệu phục vụ dự án đang còn vướng mắc liên quan đến việc thỏa thuận về giá đền bù. Vậy vướng mắc này hiện đã được tháo gỡ đến đâu?
Ông Cao Việt Hùng: Đối với các mỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có trường hợp mỏ Truông Ổi, giai đoạn đầu việc thỏa thuận chi phí đền bù giữa nhà thầu và người dân chưa đạt được kết quả.
Tuy nhiên việc này đã được tỉnh hỗ trợ, tuyên truyền nên vừa rồi mỏ Truông Ổi nhà thầu đã thỏa thuận được với người dân 7ha/23ha, cố gắng sẽ thỏa thuận phần còn lại để hoàn thành công tác đền bù cho mỏ này.
Ngoài ra các mỏ khác cơ bản đã đạt được sự đồng thuận, thỏa thuận về giá đền bù với người dân, tuy nhiên có một số trường hợp đã thỏa thuận xong người dân lại có ý kiến về đường vận chuyển.
Trong trường hợp không vận chuyển được nhà thầu và chủ đầu tư sẽ báo cáo UBND tỉnh chọn đường vận chuyển thích hợp hơn, không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
PV: Xin cảm ơn ông!