Làm gì để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu?

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình hằng năm giai đoạn 2019-2023 nhanh nhất thế giới.

Ngày 15-12 vừa qua, Báo Sputnik của Nga cũng nhận định, Việt Nam là một "ngôi sao kinh tế" của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang vươn lên mạnh mẽ. Theo bảng xếp hạng 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam xếp thứ 23. Vậy chúng ta cần làm gì để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu?

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp nhưng tăng trưởng kinh tế có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần. Trong bối cảnh đó, với các biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam duy trì mức tăng cao và là một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong 11 tháng qua.

Bộ Công Thương vừa công bố những con số thống kê ấn tượng, khẳng định xuất nhập khẩu năm 2024 có thể vượt xa kế hoạch được giao. Tính chung 11 tháng của năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thu về xấp xỉ 367 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước đạt gần 104 tỷ USD, tăng 20%, chiếm hơn 28% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt hơn 266 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm gần 72%. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục xuất siêu hơn 23 tỷ USD.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu đã duy trì được con số kim ngạch tăng trưởng tương đối đều đặn từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong nắm bắt thời cơ từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như cơ hội từ sự phục hồi của thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đầu tư rất tốt cho công nghệ sản xuất. Nhờ đó, hàng hóa Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng.

Tính đến cuối tháng 12-2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi 17 hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực. Các chuyên gia nhận định, từ khi thực thi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, cán cân thương mại duy trì đà xuất siêu.

Tuy nhiên, dù đạt kết quả tích cực song các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là dạng thô, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu…

Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, động lực trước tiên nằm ở tự thân các doanh nghiệp mà mấu chốt là nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Doanh nghiệp cần chuyển đổi số, đầu tư thay đổi quy trình sản xuất, làm chủ kỹ thuật, công nghệ; chú trọng xây dựng đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn, ngoại ngữ... Đòi hỏi này buộc doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư bài bản...

Đồng thời, doanh nghiệp cần tận dụng khai thác các thị trường mới, nhiều dư địa cho xuất khẩu như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi... Ngành HALAL là một điển hình đã được nhắc đến nhiều thời gian gần đây. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp thông qua các kênh phân phối lớn như Saigon Coop, AEON, Central Retail... cũng là một giải pháp hiệu quả.

Để đồng hành với doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần có chiến lược rõ ràng và quyết liệt. Cụ thể là: Xây dựng thương hiệu quốc gia, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tăng cường hợp tác quốc tế… Những giải pháp đồng bộ này sẽ giúp Việt Nam vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội, thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu tăng trưởng trong thời gian tới.

Đoàn Nam

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lam-gi-de-tiep-tuc-thuc-day-xuat-khau-687860.html
Zalo