Làm gì để thúc đẩy chuyển giao công nghệ lĩnh vực dược tại Việt Nam?

Việt Nam cần làm gì để đạt mục tiêu tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự… nhằm đảm bảo thuốc, vaccine tốt, chất lượng, hiệu quả trong điều trị, dự phòng bệnh cho nhân dân?

Mới chỉ có 20 thuốc phát minh chuyển giao công nghệ từ các công ty đa quốc gia

Tại hội thảo đối thoại chính sách "Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp" do Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho hay, Việt Nam hiện có 238 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó 17 nhà máy đạt chuẩn GMP-EU, chủ yếu tập trung vào sản xuất thuốc generic.

Đến nay Việt Nam sản xuất được 15 loại vaccine, đáp ứng 100% nhu cầu tiêm chủng mở rộng và 10% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho hay trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được Quốc hội ban hành đã đề cập đến chính sách ưu tiên cho chuyển giao công nghệ lĩnh vực dược.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho hay trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được Quốc hội ban hành đã đề cập đến chính sách ưu tiên cho chuyển giao công nghệ lĩnh vực dược.

Công nghệ sản xuất dược phẩm của Việt Nam mới đạt gần cấp độ 3 trên 4 theo thang đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới. Sản xuất thuốc trong nước mới đáp ứng 70% về số lượng và 46,3% về giá trị, còn khá xa so với mục tiêu đề ra đến năm 2030. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất thuốc chủ yếu phải nhập khẩu. Công nghiệp dược vẫn tập trung vào sản xuất thuốc generic, chưa chú trọng vào thuốc công nghệ cao hay thuốc phát minh.

Bên cạnh đó năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine cũng đang gặp nhiều hạn chế. Sản phẩm được chuyển giao phần lớn vẫn là các sinh phẩm thông thường, chưa bao gồm nhiều sản phẩm đột phá hay các công nghệ tiên tiến như mRNA, công nghệ tái tổ hợp, hoặc các dạng bào chế công nghệ cao.

Trao đổi của các chuyên gia tại buổi đối thoại này cho thấy, nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích chuyển giao công nghệ, tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn các dự án đầu tư chuyển giao công nghệ đã được đề cập trong các văn bản khác nhau liên quan đến việc cấp giấy đăng ký lưu hành, ưu đãi đầu tư về thuế, vay vốn, đất đai; ưu đãi trong mua thuốc, chính sách giữ giá, giảm giá; chính sách phát triển nhân lực cho chuyển giao công nghệ…

Tuy nhiên thực tế cho thấy kết quả chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược còn khá hạn chế. Tính đến năm 2024, chỉ có tổng số 20 thuốc phát minh thực hiện chuyển giao công nghệ từ các công ty đa quốc gia như AstraZeneca, Servier, Viatris cho Việt Nam, trong đó 3 thuốc được cấp số đăng ký.

Thực trạng này đòi hỏi cần có những chính sách mạnh mẽ, cụ thể thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược thời gian tới, tạo đà phát triển công nghiệp sản xuất thuốc trong nước.

Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm: Yêu cầu tất yếu

Theo TS. DS Nguyễn Khánh Phương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: "Phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN".

TS. DS Nguyễn Khánh Phương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế nhấn mạnh: chuyển giao công nghệ khi thành công đem lại những lợi ích dài hạn, bền vững, nâng cao trình độ công nghệ, xây dựng được năng lực tự chủ sản xuất thuốc giá trị cao...

TS. DS Nguyễn Khánh Phương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế nhấn mạnh: chuyển giao công nghệ khi thành công đem lại những lợi ích dài hạn, bền vững, nâng cao trình độ công nghệ, xây dựng được năng lực tự chủ sản xuất thuốc giá trị cao...

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: "Phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được".

Mục tiêu này thể hiện khát vọng của ngành Dược Việt Nam vươn lên tầm cao mới, nâng cao năng lực sản xuất thuốc trong nước lên cấp độ mới, để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm theo mục tiêu của Nghị quyết 20 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đồng thời đảm bảo tính chủ động, kịp thời trong cung ứng thuốc.

Tại hội thảo đối thoại, các chuyên gia là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, đấu thầu, và khoa học công nghệ, các chuyên gia độc lập dày rạn kinh nghiệm cũng như đại điện các doanh nghiệp dược trong nước và nước ngoài…đều khẳng định một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu của chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược nước ta là phải hiện thực hóa thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine.

Chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành Y tế Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực sản xuất thuốc trong nước, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an ninh y tế quốc gia.

Để thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiệu quả, trong thảo luận tại hội thảo, các nhà quản lý, đơn vị đấu thầu mua sắm thuốc, doanh nghiệp đều cho rằng, Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ các chính sách liên quan.

Trước hết, cần bổ sung các chính sách ưu đãi xuyên suốt quá trình chuyển giao công nghệ. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi của bên chuyển giao và nhận công nghệ. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể cũng rất cần thiết để triển khai các chính sách ưu đãi hiện có, bao gồm giữ giá thuốc, mua sắm và đấu thầu, ưu đãi đầu tư như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, miễn hoặc giảm tiền thuê đất, cùng các hỗ trợ tài chính từ các quỹ khoa học công nghệ và đầu tư.

Ngoài ra, cần giải quyết các khó khăn trong việc triển khai, như tăng mức độ giảm giá hợp lý trong đàm phán giá và đảm bảo thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đúng theo cam kết ưu đãi. Bên cạnh đó, việc đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực ngành công nghiệp dược để tiếp nhận và làm chủ công nghệ là yếu tố then chốt.

Cuối cùng, cần tăng cường giám sát và đánh giá việc thực hiện các chính sách để đảm bảo hiệu quả, đồng thời tạo nền tảng thúc đẩy ngành công nghiệp dược Việt Nam phát triển bền vững.

Ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam cho rằng việc chuyển giao công nghệ cần tính toán đến dài hạn.

Ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam cho rằng việc chuyển giao công nghệ cần tính toán đến dài hạn.

Những lợi ích dài hạn của chuyển giao công nghệ lĩnh vực dược thành công

Chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này, ông Tạ Mạnh Hùng cho hay, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được Quốc hội ban hành đã đề cập đến chính sách ưu tiên nhằm rút gọn thời gian và trình tự cấp giấy đăng ký lưu hành cho các loại thuốc đặc biệt, như thuốc mới, biệt dược gốc, thuốc hiếm, vaccine, và thuốc công nghệ cao đối với: Thuốc generic và sinh phẩm tương tự đầu tiên sản xuất tại Việt Nam, cũng như thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng trong nước.

Chính sách giữ giá và giảm giá đối với thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc công nghệ cao, vaccine, và thuốc hiếm có chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam. Quy định các trường hợp thuốc biệt dược gốc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước, sinh phẩm tương tự đầu tiên sản xuất trong nước được ưu đãi trong mua sắm.

Cũng tại tọa đàm, ông Hùng cho biết thêm ưu tiên dược phẩm sinh học và liệu pháp tiên tiến. Theo đó, "Chương trình phát triển công nghiệp dược" nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc đầu tư vào sản xuất thuốc sinh học, bao gồm vaccine, sản phẩm tái tổ hợp và các liệu pháp tiên tiến như liệu pháp tế bào và liệu pháp gen. "Trọng tâm này cho thấy cam kết của Việt Nam trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực dược phẩm"- ông Hùng nói.

TS.DS Nguyễn Khánh Phương cho rằng, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, quy trình phức tạp, yêu cầu đầu tư cao (dao động từ 5-20 triệu USD đối với các thuốc hóa dược), thời gian dài, thường kéo dài trên 5 năm, yêu cầu cao về nhân lực... Tuy nhiên, chuyển giao công nghệ khi thành công đem lại những lợi ích dài hạn, bền vững, nâng cao trình độ công nghệ, xây dựng được năng lực tự chủ sản xuất thuốc giá trị cao, gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thành công của chuyển giao công nghệ phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Chính phủ, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thu hút các công ty đa quốc gia đầu tư vào các dự án chuyển giao công nghệ"- TS Nguyễn Khánh Phương nói.

Các chuyên gia khẳng định, chuyển giao công nghệ góp phần nâng cao năng lực sản xuất thuốc trong nước, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an ninh y tế quốc gia.

Các chuyên gia khẳng định, chuyển giao công nghệ góp phần nâng cao năng lực sản xuất thuốc trong nước, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an ninh y tế quốc gia.

Ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam cho rằng, chiến lược và kế hoạch của chính phủ đã rất rõ ràng, có những kỳ vọng chứ không chỉ tập trung vào tiêu thụ dược phẩm tại Việt Nam mà hướng tới Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo, sản xuất được thuốc phát minh trong khu vực.

Với những hoạt động gần đây, cùng với những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật dược mới đây là những điểm rất quan trọng để thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam.

"AstraZeneca đã triển khai nhiều nỗ lực chuyển giao công nghệ, trong đó ngay từ năm 2022 chúng tôi đã cam kết những nội dung về chuyển giao công nghệ. Hiện nay khung pháp lý đã có, tuy nhiên thực tế chúng ta cần có những hướng dẫn rõ ràng bằng các thông tư để chúng tôi có thể tuân thủ, áp dụng, hiện thực hóa nhanh chóng. Việc chuyển giao công nghệ cần tính toán đến dài hạn.

Việt Nam có nhiều điểm mạnh về nhân lực nhưng cần tạo ra những khuyến khích, tạo điều kiện, để tạo năng suất dài hạn. Đó là cơ hội để Vệt Nam thực sự phát triển hơn nữa trên lĩnh vực dược phẩm"- ông Atul Tandon nói.

Ông Atul Tandon cũng bày tỏ mong muốn của AstraZeneca tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan để đạt được những mục tiêu chung trong nỗ lực chuyển giao công nghệ xuyên biên giới trong tương lai, đồng thời, bày tỏ tin tưởng rằng với sự hợp tác từ nhiều cấp và đối tượng khác nhau trong xã hội sẽ vượt qua những thách thức này một cách hiệu quả mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam.

Chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine... yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt...

Chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine... yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt...

Thái Bình/ Ảnh: Bảo Trân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-gi-de-thuc-day-chuyen-giao-cong-nghe-linh-vuc-duoc-tai-viet-nam-169241231072612152.htm
Zalo