Làm gì để tăng sức đề kháng cho trẻ khi trời mưa nắng thất thường?

Việc hỗ trợ tăng sức đề kháng cho trẻ khi trời mưa nắng thất thường rất quan trọng, sẽ giúp cơ thể trẻ có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh và giảm biến chứng.

Bác sỹ khám cho một bệnh nhi. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bác sỹ khám cho một bệnh nhi. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, từ nóng sang lạnh, từ nắng sang mưa vào những khoảng thời gian giao mùa sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ em khi sức đề kháng chưa được hoàn thiện.

Theo WHO, hàng năm có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc bệnh cúm theo mùa, trong đó có 3-5 triệu trường hợp mắc bệnh nặng và 290.000-650.000 ca tử vong.

Tại Việt Nam, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 289.066 trường hợp mắc cúm mùa; riêng 4 bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và 03 bệnh viện Nhi đồng) đã tiếp nhận 238.000 ca bệnh hô hấp ở trẻ em là do sự thay đổi của thời tiết. Do đó, bố mẹ cần chú ý và áp dụng các biện pháp phòng tránh các bệnh do thời tiết thất thường để bảo vệ sức khỏe của con em mình.

1. Tại sao cần tăng sức đề kháng cho trẻ?

Sức đề kháng hay khả năng miễn dịch của cơ thể chính là khả năng phòng vệ trước sự xâm nhập của những tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng… Khi sức đề kháng bị suy giảm, cơ thể trẻ sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn. Chính vì thế, việc hỗ trợ tăng sức đề kháng cho trẻ thời điểm này sẽ giúp cơ thể trẻ có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh và giảm biến chứng.

Đây cũng là điều thiết yếu để trẻ có thể phát triển khỏe mạnh và cũng là nền tảng vững chắc cho sức khỏe trong tương lai. Đặc biệt, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch còn non yếu rất dễ mắc bệnh khi thời tiết chuyển mùa nóng lạnh thất thường.

 Thời tiết chuyển mùa, bệnh nhi nhập viện tăng cao. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thời tiết chuyển mùa, bệnh nhi nhập viện tăng cao. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

2. Trẻ thường mắc bệnh gì khi thời tiết nắng mưa thất thường?

Tình trạng thời tiết nắng mưa thất thường, thay đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm đột ngột chính là điều kiện lý tưởng cho nhiều loại virus, vi khuẩn có hại phát triển. Chúng gây một số bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sức khỏe của bé.

Cảm cúm

Cảm cúm là tình trạng dễ xuất hiện nhất khi thời tiết nắng mưa thất thường. Khi đó trẻ có thể sốt, nghẹt mũi, đau họng, ho, hắt hơi và quấy khóc. Nếu bố mẹ không biết cách xử lý khi con sổ mũi dạng lỏng kéo dài sẽ có nguy cơ đờm xuống cổ họng, gây viêm họng và nặng hơn là viêm phế quản.

Viêm đường hô hấp trên

Bệnh do virus gây ra với các biểu hiện thường gặp như sốt, đau họng kèm ho, chảy mũi nước và hắt xì hơi. Tuy vậy, có một số trẻ bị viêm đường hô hấp nặng nhưng không sốt hoặc sốt không cao, nhất là trẻ em bị còi xương, suy dinh dưỡng kèm theo tình trạng quấy khóc, ngủ kém. Các bệnh điển hình giúp phát hiện trẻ có nguy cơ mắc viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm xoang và viêm mũi dị ứng.

Viêm tai giữa

Thời tiết nắng mưa thất thường làm tăng nguy cơ trẻ em mắc bệnh viêm tai giữa, với những biểu hiện như đau, khó nghe, chảy dịch, sốt cao, thậm chí là buồn nôn. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ mắc viêm tai giữa có thể gặp phải các biến chứng rất nguy hiểm như mất thính lực, thủng màng nhĩ, ápxe màng não.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền nhiễm. Khi trẻ mắc phải sẽ có các biểu hiện thường gặp như sốt cao đột ngột và liên tục trong khoảng 2-4 ngày, có thể xuất hiện xuất huyết dưới da, ở niêm mạc miệng, nặng hơn là đi tiểu ra máu... Đặc biệt trẻ mắc sốt xuất huyết có rất nhiều biến chứng nguy hiểm, như là nguy cơ bị xuất huyết tiêu hóa, trụy tim mạch, xuất huyết não, hôn mê dẫn đến tử vong.

Thủy đậu

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Triệu chứng ban đầu của thủy đậu là sốt, đau đầu, nhức mỏi, sau đó bệnh nhân sẽ xuất hiện những nốt ban, phỏng nước. Mụn có thể đóng vảy sau khoảng 2-3 ngày. Bố mẹ cần lưu ý đậu cũng có những biến chứng nguy hiểm cho trẻ như làm nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não.

Tiêu chảy cấp

Bệnh do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra; thường phát đột ngột và phần lớn trẻ mắc bệnh thường là sốt cao (38-40 độ C) và kèm theo các biểu hiện như sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho và rát họng. Ngoài ra, những biểu hiện điển hình như đi ngoài phân lỏng, nôn ói, đau bụng kèm tình trạng mất nước cho thấy việc trẻ mắc phải tiêu chảy cấp do bệnh đường ruột.

3. Bí quyết tăng sức đề kháng cho trẻ

Sức đề kháng đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, là rào chắn giúp cơ thể ngăn chặn các tác nhân gây hại. Đối với trẻ em, sức đề kháng giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng và bệnh tật. Nó cũng tạo nền tảng cho trẻ phát triển toàn diện từ thể chất đến tinh thần.

Bố mẹ có thể thực hiện những biện pháp sau để tăng sức đề kháng cho bé, từ đó giúp phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa.

Chế độ ăn hợp lý

Đảm bảo dinh dưỡng, cho trẻ ăn cân đối các nhóm dưỡng chất và cần chú ý đến thành phần đạm, các vi chất. Trong đó, kẽm và sắt là hai vi chất cực kỳ quan trọng có nhiều trong thịt bò, gà, cá, trứng và hải sản. Ngoài ra, hình thành cho trẻ thói quen ăn nhiều rau quả, uống nước ép trái cây nhằm bổ sung vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C và các khoáng chất khác.

Sử dụng thực phẩm được chế biến phù hợp, vệ sinh và lưu ý đến khối lượng thức ăn.

Với trẻ nhỏ, trẻ 0-6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn để có khả năng phòng chống bệnh, phát triển toàn diện nhất. Nếu không có điều kiện, mẹ cần cố gắng cho trẻ bú sữa ít nhất trong 2-3 tháng đầu để củng cố hệ miễn dịch cho trẻ.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Bổ sung men vi sinh

Vi khuẩn đường ruột giữ vai trò rất quan trọng đối với sức đề kháng và nó có thể bị ảnh hưởng bởi việc dùng kháng sinh. Bởi vậy, sau mỗi đợt điều trị kháng sinh, các bác sỹ nhi khoa thường ưu tiên khuyến nghị bố mẹ cho trẻ dùng men vi sinh. Tuy nhiên, trước khi dùng, các bậc phụ huynh cần tham vấn ý kiến bác sỹ để biết cách và thời gian sử dụng.

Tiêm phòng

Bố mẹ chú ý cho trẻ tiêm phòng đúng lịch và đủ mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Chủ động cho trẻ được tiêm ngừa cúm, đặc biệt ở nhóm tuổi trên 6 tháng vì bệnh cúm thường lây nhiễm qua đường hô hấp và hiệu quả của tiêm ngừa đạt 96%-97%. Ngoài ra, trẻ được tiêm ngừa nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh ngắn hơn trẻ không được tiêm ngừa.

Cho trẻ uống ngừa tiêu chảy cấp do rotavirus, đặc biệt ở nhóm dưới 6 tháng và liều đầu tiên được uống vào thời điểm 2 tháng tuổi.

 Bác sỹ khám, tư vấn cho trẻ tiêm vaccine phòng cúm mùa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bác sỹ khám, tư vấn cho trẻ tiêm vaccine phòng cúm mùa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Bố mẹ lưu ý trang phục cho trẻ trong ngày để đảm bảo luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vào ban đêm. Nên duy trì nhiệt độ phòng từ 25-28 độ C, thông thoáng và tránh gió lùa.

Khuyến khích bé tham gia hoạt động vui chơi, thể thao phù hợp độ tuổi. Vận động thường xuyên giúp trẻ phát triển thể chất, tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện chức năng tim mạch và phổi, từ đó nâng cao sức đề kháng.

Hạn chế cho trẻ tiếp xúc các nguồn ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá.

Thực hiện việc vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh trẻ. Đảm bảo môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.

Hình thành thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ như cắt móng tay chân; thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng diệt khuẩn; sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng hàng ngày; tắm và vệ sinh thân thể sạch sẽ hàng ngày.

Bố mẹ cần đảm bảo rằng trẻ được ngủ đủ 9-12 tiếng mỗi ngày tùy theo lứa tuổi. Ngoài ra, phòng ngủ của trẻ phải thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định, giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.

Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp và tiêu chảy cấp.

Khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đặc biệt là khi có các dấu hiệu mắc bệnh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lam-gi-de-tang-suc-de-khang-cho-tre-khi-troi-mua-nang-that-thuong-post978224.vnp
Zalo