Làm gì để taekwondo Hà Nội giành huy chương Olympic, ASIAD?
Taekwondo Hà Nội từng có vận động viên góp mặt tại Olympic, giành huy chương ASIAD, nhưng vài năm gần đây, cùng với khó khăn chung của taekwondo Việt Nam, Hà Nội không có vận động viên taekwondo tầm cỡ Thế vận hội và Á vận hội.
Chân đế phong trào rộng nhưng chưa đủ
Ngày 12-1, Liên đoàn Taekwondo TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Nhìn lại kết quả công tác năm 2024, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Hà Nội Hồ Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Taekwondo-Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội khẳng định: Với hệ thống 97 điểm tập, 68 câu lạc bộ là đơn vị trực thuộc Liên đoàn, trong năm qua, phong trào taekwondo Hà Nội ngày càng phát triển rộng khắp, quy củ và có chất lượng. Chân đế phong trào taekwondo đặc biệt phát triển mạnh trong thể thao học sinh, minh chứng là việc đoàn vận động viên taekwondo Hà Nội giành 7 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 8 huy chương đồng tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024. Trong năm, Liên đoàn đã tổ chức nhiều giải đấu lớn, tạo cơ hội cho các võ sĩ tài năng của các câu lạc bộ thi đấu, tích lũy kinh nghiệm, tiêu biểu là Festival taekwondo Hà Nội mở rộng với sự tham dự của gần 1.100 võ sinh thuộc 61 câu lạc bộ; Giải vô địch các lứa tuổi Hà Nội mở rộng thu hút gần 450 võ sinh của 49 câu lạc bộ tham gia…
Tuy nhiên, dù có nền phong trào phát triển mạnh, nhưng ở cấp độ thể thao đỉnh cao, taekwondo Hà Nội đang nằm trong xu thế chững lại nói chung của taekwondo Việt Nam ở các đấu trường quốc tế tầm cỡ. Trong hành trình 35 xây dựng và phát triển, taekwondo Hà Nội từng nhiều lần giữ vị trí nhất, hoặc nhì toàn đoàn tại các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc. Hà Nội cũng thường xuyên đóng góp từ 30 đến 40% số lượng vận động viên, huấn luyện viên tham gia thành phần đội tuyển taekwondo quốc gia. Taekwondo Hà Nội từng có võ sĩ góp mặt ở Olympic London 2012 (Chu Hoàng Diệu Linh) và giành huy chương ASIAD (Đỗ Thị Bích Hạnh, Vũ Anh Tuấn, Bùi Thu Hiền - ASIAD 15 năm 2006; Dương Thanh Tâm - ASIAD 16 năm 2010, Hà Thị Nguyên - ASIAD 17 năm 2014), có huy chương bạc Giải vô địch thế giới quyền taekwondo năm 2018, do công của Phạm Hữu Việt… Có điều, những năm gần đây, các võ sĩ taekwondo Hà Nội tuy vẫn tiếp tục góp sức cùng đội tuyển taekwondo Việt Nam đạt thành tích tốt tại đấu trường SEA Games, nhưng tại đấu trường Á vận hội, kết quả thi đấu của các võ sĩ chưa đáp ứng kỳ vọng.
Gỡ khó, kiên trì đầu tư dài hạn
Việc taekwondo Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng không thành công ở Thế vận hội và Á vận hội 2 kỳ gần đây, nguyên nhân đầu tiên là nhiều võ sĩ trong "thế hệ vàng" từng thi đấu thành công trên đấu trường tầm cỡ châu lục và thế giới của taekwondo Hà Nội hiện đã chuyển ngạch sang làm huấn luyện viên, trọng tài; lực lượng vận động viên kế cận vẫn trong giai đoạn chuyển giao, chưa đủ độ chín về trình độ. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ở đấu trường Olympic và ASIAD ở môn taekwondo hiện nay rất lớn, do có đến hàng trăm quốc gia đầu tư mạnh cho môn này.
Chinh phục đấu trường ASIAD và Olympic là cực kỳ khó trong bối cảnh hiện nay, nhưng với những người tâm huyết, đau đáu với nghiệp thể thao thành tích cao, nhiệm vụ tái lập thành tích vận động viên taekwondo Hà Nội từng góp mặt tại Olympic, giành huy chương ASIAD là việc “không thể không bắt đầu ngay từ hôm nay” - như khẳng định của Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Taekwondo TP Hà Nội Đào Quốc Thắng, Trưởng phòng Quản lý Thể dục thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội.
Ông Đào Quốc Thắng nhấn mạnh: “Hà Nội hiện nay có chân đế phong trào tập luyện, thi đấu taekwondo phát triển rất mạnh. Việc chinh phục đấu trường tầm cỡ châu lục và thế giới đòi hỏi người làm nghề phải từng bước gỡ khó, kiên trì đầu tư dài hạn. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là sự đầu tư bền bỉ, cùng nhân tố con người: Thầy hay, trò giỏi, nghị lực, sẵn sàng khổ luyện”.
Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhiệm vụ của Liên đoàn là phải chuyên nghiệp hóa các hoạt động của taekwondo Hà Nội, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thành lập, vận hành câu lạc bộ taekwondo chuyên nghiệp và tổ chức các giải thi đấu taekwondo chuyên nghiệp, khuyến khích hình thành các cơ sở đào tạo vận động viên taekwondo vận hành theo mô hình doanh nghiệp.