Làm gì để mục tiêu tăng trưởng 8% khả thi?
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025, phản ánh kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ sau những khó khăn từ đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu. Nhiều ý kiến cho rằng các yếu tố kinh tế hiện tại chưa thể hiện rõ xu hướng khả quan để đạt được mục tiêu này. Liệu có yếu tố nào chưa được tính đến hoặc cần những chính sách đột phá nào để hiện thực hóa tham vọng?
Đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% không chỉ là con số, mà còn là cam kết mạnh mẽ về chính sách kinh tế và sự kỳ vọng của người dân.
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa mục tiêu này không hề đơn giản. Nó đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các yếu tố như tiêu dùng nội địa, đầu tư công, xuất khẩu, và đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, những khó khăn từ biến động kinh tế toàn cầu, nội tại nền kinh tế, và các vấn đề liên quan đến thể chế và cấu trúc vận hành của xã hội và doanh nghiệp cần được giải quyết. Phân tích sâu cấu trúc GDP nhìn từ cả phía cầu và phía cung sẽ cho chúng ta thêm nhiều góc nhìn đa chiều.
Nền tảng kinh tế và mục tiêu tăng trưởng 8%
Lịch sử cho thấy Việt Nam từng đạt mức tăng trưởng cao vào một số thời điểm đặc biệt. Tuy nhiên, các điều kiện thuận lợi của những giai đoạn đó không còn tồn tại trong giai đoạn hiện nay. Trung bình, Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng GDP thực ở mức 6-7% trong ba thập niên qua. Việc đạt mức tăng trưởng 8%, hay xa hơn là mức tăng trưởng hai con số, đòi hỏi một sự thay đổi rất lớn về chất trong cấu trúc nền kinh tế.
Chúng ta hãy thử đánh giá qua các yếu tố tăng trưởng kinh tế từ phía cầu. Đầu tư công là một động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế do vẫn còn quá nhiều nút thắt dù có nhiều chỉ đạo quyết liệt từ trung ương. Tốc độ giải ngân đầu tư công hiện tại chỉ đạt 77,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, ngay cả khi được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây. Thực tế, tỷ trọng của đầu tư công trong cấu trúc GDP cũng ngày càng giảm nên tác động đóng góp cũng rất hạn chế. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư công còn thấp, thể hiện qua chỉ số ICOR (tỷ lệ vốn đầu tư trên tăng trưởng) cao, phản ánh sự kém hiệu quả trong sử dụng vốn.
Tăng trưởng kinh tế vượt trội của năm 2024 chủ yếu đến từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cả việc thu hút đầu tư và xuất khẩu ròng của khu vực này. Trong khi đó, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn thâm hụt lớn và chưa có nhiều cải thiện trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào FDI, trong khi các doanh nghiệp nội địa không có không gian phát triển đủ lớn, khiến nền kinh tế thiếu sự tự chủ và bền vững. Các ngành xuất khẩu chủ lực cũng đối mặt với áp lực từ suy thoái kinh tế toàn cầu, làm giảm nhu cầu từ các thị trường quốc tế.
Đầu tư tư nhân dù đã có những cải thiện đáng kể so với năm 2023, nhưng với một nền tảng sản xuất có sức cạnh tranh yếu thì các hoạt động tăng trưởng đầu tư của các doanh nghiệp vẫn đang phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các chính sách kích cầu tín dụng. Điều cốt yếu để phát triển bền vững là cần có một nền sản xuất mạnh và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của khu vực và toàn cầu. Môi trường đầu tư, nhìn từ góc độ tăng trưởng và thay đổi thể chế, là những yếu tố quan trọng để kích thích khu vực này.
Cuối cùng, tiêu dùng cuối vẫn yếu khi tốc độ tăng trưởng năm nay tuy cao hơn năm trước nhưng vẫn còn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Bị ảnh hưởng bởi gánh nặng bất động sản, tiêu dùng nội địa vẫn đang đối mặt với nhiều hạn chế do thu nhập khả dụng của người dân chưa tăng đáng kể. Tâm lý tiết kiệm gia tăng trong bối cảnh kinh tế bất ổn, cùng với những nỗ lực kích cầu chưa thực sự hiệu quả, khiến sức mua khó có sự cải thiện mạnh mẽ.
Đặc biệt, nhiều gia đình Việt Nam vẫn đang mắc kẹt trong các khoản vay bất động sản, dẫn đến tình trạng giảm sức chi tiêu. Với sự bùng nổ của các dự án bất động sản trong giai đoạn 2020-2021, không ít hộ gia đình đã vay mua nhà, căn hộ, thậm chí đầu tư đất đai với kỳ vọng giá tăng. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản giảm tốc, nhiều người gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ, dẫn đến tỷ lệ tiết kiệm cao hơn thay vì tiêu dùng. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn, khi sức tiêu dùng giảm làm suy yếu động lực tăng trưởng nội địa - yếu tố quan trọng để hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng 8%.
Bức tranh từ phía cầu cho thấy còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết nếu chúng ta muốn đạt mức tăng trưởng mục tiêu. Tuy nhiên, khi nhìn GDP từ phía cung sẽ thấy một số gợi ý về tiềm năng có thể khai thác vốn chưa được khai phá nhiều.
Tăng trưởng kinh tế nhìn từ phía cung
Năng suất lao động là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trong những giai đoạn phát triển với tốc độ cao thì yếu tố liên tục cải thiện năng suất lao động luôn là động lực giúp phát triển bền vững. Bài học từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc cho thấy cải thiện năng suất lao động đòi hỏi đầu tư lớn vào giáo dục, đổi mới công nghệ và tổ chức sản xuất hiệu quả.
Câu chuyện tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Trung Quốc (1990-2010) đi liền với chính sách “mở cửa” và các đặc khu kinh tế, Trung Quốc đã thu hút lượng lớn vốn FDI và công nghệ nước ngoài. Năng suất lao động của Trung Quốc tăng mạnh nhờ áp dụng công nghệ và mô hình sản xuất hiện đại vào nông nghiệp và công nghiệp. Việt Nam cần thực hiện các cải cách sâu rộng, khuyến khích chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI và tăng cường đào tạo kỹ năng để thúc đẩy năng suất lao động và tạo động lực cho tăng trưởng GDP.
Cải cách thể chế là yếu tố quyết định để cải thiện hiệu quả kinh tế, trong đó tinh giản lao động khu vực công là một ưu tiên. Hiện nay, khu vực công của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động, nhưng hiệu quả chưa tương xứng. Kế hoạch của Chính phủ bao gồm cắt giảm biên chế, cải tổ cơ cấu tổ chức, và áp dụng công nghệ số vào quản lý hành chính. Điều này không chỉ giảm gánh nặng ngân sách mà còn giải phóng lao động cho khu vực tư nhân. Các quốc gia như Singapore đã thực hiện thành công việc chuyển đổi khu vực công sang mô hình tinh gọn và hiệu quả hơn. Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự công và đảm bảo sự minh bạch, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh và tăng trưởng dài hạn.
Đầu tư vào công nghệ cao là yếu tố quyết định để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Hiện nay, sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Nvidia đã mở ra cơ hội, nhưng Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời đại mới. Ngành chip bán dẫn và AI đang là hai ngành nghề sẽ tạo ra động lực tăng trưởng của toàn cầu trong thời gian tới. AI nếu được khai thác tốt sẽ có thể giúp cải thiện năng suất lao động của người lao động, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh trong quá trình sản xuất. Đóng góp từ năng suất lao động của Việt Nam vào tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức rất hạn chế và chủ yếu đến từ gia tăng vốn được bơm từ hệ thống ngân hàng trong suốt một thời gian dài.
Năng suất lao động và tiêu dùng nội địa có mối liên kết chặt chẽ, tạo ra vòng tuần hoàn tích cực. Khi năng suất lao động tăng, thu nhập người dân sẽ cải thiện, từ đó thúc đẩy sức mua và tiêu dùng. Ngược lại, tiêu dùng gia tăng sẽ khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ mới, và tiếp tục cải thiện năng suất. Ngoài ra, năng suất lao động cao giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó hạ giá thành sản phẩm, tạo điều kiện để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ hơn. Chính phủ cần kích cầu thông qua hỗ trợ tiêu dùng, giảm lãi suất vay và tạo thêm thu nhập khả dụng cho các hộ gia đình, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của cả hai yếu tố.
(*) CFA