Làm gì để mỗi đồng vốn đầu tư công đạt hiệu quả cao nhất?
Đầu tư công được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất giúp nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả tối đa, bên cạnh đảm bảo giải ngân đúng tiến độ, cần cải cách thể chế mạnh mẽ và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn.
Ngày 19/2, Quốc hội thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở nên. Trong đó, bổ sung khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn như đường cao tốc, đường ven biển… ngay trong năm 2025. Đồng thời, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công được đặt mục tiêu đạt 95% kế hoạch.

Vốn đầu tư công năm 2025 khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875 nghìn tỷ đồng), cao hơn 84,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch trước đó (790,7 nghìn tỷ đồng).
Bệ phóng tăng trưởng
Bình luận về kế hoạch đầu tư công năm nay, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank cho biết, ban đầu kế hoạch vốn đầu tư công chỉ tăng 17% so với năm 2024. Tuy nhiên, với bổ sung mới từ Nghị quyết của Quốc hội, tổng mức tăng sẽ lên 28%. Điều này phản ánh sự kỳ vọng về hiệu quả của đầu tư công trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi với Vnbusiness, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định đầu tư công chính là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế trong năm bản lề này. Ông nhấn mạnh, nếu được triển khai hiệu quả, “trụ cột này” không chỉ kích thích trực tiếp vào GDP mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành xây dựng, vật liệu, bất động sản, dịch vụ…, giúp tạo việc làm và ổn định vĩ mô.
Thực tế thì ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kết quả phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 đến ngày 23/1 mới đạt 96,07% kế hoạch, số vốn chưa phân bổ chi tiết còn khá lớn, giải ngân hết tháng 1 ước đạt 1,26% kế hoạch (cùng kỳ năm 2024 là 2,58%).
Tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/2 đôn đốc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 nêu rõ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm khắc phê bình 26 Bộ, cơ quan trung ương và 48 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch đã được giao; yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể để xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Theo các chuyên gia, bài toán đặt ra hiện nay là không chỉ tăng đầu tư mà còn phải nâng cao chất lượng đầu tư để đảm bảo nguồn vốn thực sự mang lại hiệu quả.
Hệ số ICOR cần giảm xuống dưới 6 lần
Một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của đầu tư công là cải cách thể chế. Theo các chuyên gia, việc này không chỉ giúp tháo gỡ rào cản pháp lý, đẩy nhanh tiến độ mà còn tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Dù kế hoạch hàng năm đặt ra tỷ lệ giải ngân đạt 95%, nhưng trên thực tế, tỷ lệ này thường chỉ đạt khoảng 93% và phần lớn ngân sách được giải ngân vào những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước trong hệ thống ngân hàng vẫn rất lớn, có thời điểm lên đến cả triệu tỷ đồng, cho thấy dòng vốn chưa thực sự chảy vào nền kinh tế.
“Điều này chủ yếu xuất phát từ các rào cản pháp lý, và chỉ có cải cách thể chế mới có thể tháo gỡ triệt để vấn đề này”, ông Nguyễn Hoàng Linh nhận định.
Để làm được điều này, Chính phủ cần đẩy nhanh việc tinh gọn bộ máy, tối ưu hóa quy trình xét duyệt và thực hiện đầu tư công.
Ngoài ra, việc tiết kiệm chi thường xuyên có thể tạo ra dư địa vốn lớn để bổ sung cho đầu tư công. Ông Linh phân tích, nếu tiết kiệm 10% chi thường xuyên, ngân sách đầu tư công có thể tăng thêm một khoản vốn cực kỳ lớn để phục vụ phát triển hạ tầng.
Bên cạnh số lượng và tốc độ giải ngân, chất lượng đầu tư công cũng cần được cải thiện để đảm bảo hiệu quả. Một trong những thước đo quan trọng là hệ số ICOR - hệ số gia tăng vốn trên sản lượng đầu ra, đo lường hiệu quả đầu tư.
Trong giai đoạn 2021 - 2024, hệ số ICOR của Việt Nam ở mức trên 8 lần, tức là cần 8 đồng đầu tư để tạo ra 1 đồng tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, theo tính toán của chuyên gia VCBF, để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch năm nay, hệ số ICOR cần giảm xuống dưới 6 lần.
“Nếu không cải thiện được hệ số ICOR, dù tổng vốn đầu tư toàn xã hội có tăng được như kỳ vọng cũng khó đạt được mức tăng trưởng 8%. Ngược lại, nếu sử dụng vốn hiệu quả hơn, tăng trưởng GDP không chỉ đạt 8% mà còn có thể vượt mục tiêu”, ông Linh nhận định.
Vị chuyên gia dẫn chứng tính toán của Tổng cục Thống kê, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,058%. Trong bối cảnh thương mại thế giới nhiều biến động, nếu năm nay có thể hoàn thành kế hoạch tăng gần 30% vốn đầu tư công, hoàn toàn có thể đóng góp 1,8% vào tăng trưởng GDP, bù đắp được những sụt giảm do yếu tố rủi ro bên ngoài, từ đó đạt tăng trưởng 8%.