Làm gì để GDP năm 2025 đạt 8% trở lên

Nâng chỉ tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 với điều kiện nợ công tăng lên ngưỡng cảnh báo đặt ra nhiều thách thức về hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng trả nợ.

Năm 2025, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo được dự kiến tăng trưởng từ 9,7% trở lên. Ảnh: Đức Thanh

Năm 2025, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo được dự kiến tăng trưởng từ 9,7% trở lên. Ảnh: Đức Thanh

Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn năm 2024 từ 0,7-1,3% trở lên

Nhằm góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026), Tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên đã được Chính phủ gửi tới Quốc hội.

Tại đây, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên (chỉ tiêu Quốc hội giao khoảng 6,5-7%), tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5% (chỉ tiêu Quốc hội giao khoảng 4,5%).

Kịch bản tăng trưởng cũng đã được làm mới để đạt mục tiêu mới. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó, công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên).

Theo kịch bản này, các khu vực kinh tế tăng tốc, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2024 từ 0,7-1,3% trở lên; trong đó, công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Vẫn theo kịch bản mới, quy mô GDP năm 2025 đạt trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD.

Về các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), Chính phủ tính toán, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD). Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790.700 tỷ đồng). Đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng 12% trở lên. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Tốc độ tăng CPI bình quân 4,5-5%.

Điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên, theo Chính phủ, đầu tiên là tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp, phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Tiếp đến, cần phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%; Hà Nội, TP.HCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.

Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng mới, Chính phủ nêu điều kiện tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Cụ thể, củng cố niềm tin thị trường, thúc đẩy mạnh đầu tư tư nhân, công nghiệp chế biến, chế tạo. Thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, sức lan tỏa lớn; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực; tăng chi đầu tư phát triển; sớm rà soát, tháo gỡ, thực hiện các dự án đang bị tồn đọng, ách tắc.

Bên cạnh đó, cần phục hồi nhanh tiêu dùng, du lịch, dịch vụ trong nước. Duy trì ổn định và phát triển quan hệ thương mại hài hòa, bền vững, nhất là với Mỹ, Trung Quốc và các đối tác lớn. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực, nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ cũng tính đến trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo (khoảng 5% GDP).

Cần chiến lược quản lý tài chính công chặt chẽ

Tán thành với mục tiêu và kịch bản tăng trưởng 8% trở lên của Chính phủ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, mục tiêu trên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách nhà nước, sự nỗ lực của doanh nghiệp và khả năng thích ứng của nền kinh tế với những thách thức toàn cầu.

“Mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội từ 8% trở lên trong năm 2025 là một thách thức lớn, đặc biệt nếu đi kèm với việc tăng nợ công và nợ chính phủ lên đến hoặc vượt ngưỡng cảnh báo”, ông An trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Để đạt được mục tiêu trên mà vẫn đảm bảo sự ổn định tài chính quốc gia, theo đại biểu An, cần xem xét thấu đáo một số vấn đề quan trọng, trong đó có hiệu quả sử dụng vốn vay. Cụ thể, cần đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả, tập trung vào các dự án có khả năng thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng như kết cấu hạ tầng, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực.

Cùng với đó, giảm thiểu tình trạng lãng phí, hoặc thất thoát trong đầu tư công, nâng cao chất lượng và tỷ lệ đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm.

Kiểm soát nợ công và khả năng trả nợ, theo vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cũng cần được quan tâm, bởi mặc dù nợ công tăng có thể tạo dư địa cho đầu tư và tăng trưởng, nhưng cần cân nhắc khả năng trả nợ trong trung và dài hạn. Cải thiện hiệu quả thu ngân sách, mở rộng cơ sở thuế để đảm bảo nguồn trả nợ bền vững, đánh giá kỹ lưỡng cơ cấu nợ, ưu tiên các khoản vay có lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài và hạn chế vay ngắn hạn với lãi suất cao, theo ông An, cũng cần chú trọng.

Vị đại biểu Đồng Nai cũng đề cập một số giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Ông An phân tích, việc tăng đầu tư công và vay nợ có thể làm gia tăng áp lực lạm phát. Vì thế, cần có các chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp để kiểm soát lạm phát, tránh tình trạng tăng trưởng nóng. Ổn định tỷ giá hối đoái để tránh tác động tiêu cực đến nợ nước ngoài. Cùng với đó, nghiên cứu tăng mức tăng trưởng tín dụng lên cao hơn 16%, đi cùng các biện pháp phòng tăng nợ xấu, bảo đảm vĩ mô, đưa tín dụng vào các lĩnh vực phù hợp.

Để đưa GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, ông An nhấn mạnh, phải khẩn trương thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù; cơ chế, chính sách do các đạo luật mới được Quốc hội ban hành (đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản) để biến các cơ chế, chính sách này thành nguồn lực.

“Mục tiêu đạt được mức tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 với điều kiện nợ công tăng lên ngưỡng cảnh báo đặt ra nhiều thách thức về hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng trả nợ. Do đó, cần có chiến lược quản lý tài chính công chặt chẽ, tăng cường cải cách thể chế và thúc đẩy các nguồn lực đầu tư ngoài nợ công để giảm áp lực lên ngân sách nhà nước”, ông An nêu quan điểm.

Từ góc độ hoàn thiện thể chế, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, các luật về đầu tư, tài chính được sửa gấp rút tại Kỳ họp Quốc hội thứ tám đã góp phần khơi thông nguồn lực, rút ngắn thời gian cho các dự án, sẽ thúc đẩy tăng trưởng cả trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

“Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp… đang được sửa đổi, nếu đi đúng hướng cũng sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng”, ông Hùng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Trình Quốc hội một số nội dung cấp bách

Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 5/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến họp thêm vào chiều ngày 10/2 để cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có thể cả tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn, nếu chuẩn bị kịp.

Ngoài ra, một số nội dung cấp bách khác để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ chín nếu kịp hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm tra cũng sẽ được cho ý kiến. Cụ thể là phương án bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 của công ty mẹ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu đạt 8% trở lên.

Theo chương trình, sáng nay (7/2), Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra tờ trình của Chính phủ về đề án này.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lam-gi-de-gdp-nam-2025-dat-8-tro-len-d244628.html
Zalo