Lạm dụng kê thuốc bổ
Mới đây trên trang cá nhân, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) kể lại câu chuyện gặp một bà cụ gần 80 tuổi tay cầm đơn thuốc với chẩn đoán 'Cơn sụp đổ'.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, thực ra đó chỉ là một triệu chứng (drop attack) của hội chứng hiếm gặp trên lâm sàng: hội chứng "cướp" máu động mạch dưới đòn. Xác định bệnh nguyên bệnh cần có nhiều thăm dò phức tạp như siêu âm Doppler màu, chụp CT Scanner đa dãy, thậm chí có khi còn cần thông tim và chụp buồng tim...
Bệnh nhân lớn tuổi nói trên được vị bác sĩ khám và điều trị cho kê 5 loại thuốc, trong đó có đến 4 loại thuốc bổ gan, bổ thần kinh và khoáng chất…
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bình luận: “Chúng ta vẫn có thói quen thuốc bổ là không nguy hại nhưng thực tế cái hại ngay trước mắt đó là "túi tiền" của những người nghèo. 4 loại thuốc trên chắc chắn đắt hơn 2 loại thuốc tăng tuần hoàn não được kê "xen kẽ" trong đơn là Cavinton và Memoril. Cái hại thứ hai là uống nhiều thuốc tăng nguy cơ tác dụng phụ và phản ứng chéo giữa các thành phần với nhau. Ngoài ra, do quá nhiều viên thuốc người bệnh có nguy cơ lẫn lộn đâu là thuốc bổ, đâu là thuốc điều trị thật sự dẫn đễn quên thuốc, bỏ thuốc...”.
Từ ca bệnh có đơn thuốc nhiều loại thuốc bổ đắt tiền, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu khuyến cáo: “Bản thân tôi nếu bệnh nhân thực sự cần (kể cả vấn đề tâm lý), tôi thường chỉ kê tối đa 1 loại và sẽ chọn loại không đắt tiền và rất thông dụng như Vitamin 3B, Panangin, Tanakan”...
Ông cho biết thêm: Việt Nam không giới hạn quảng cáo thuốc bổ ở mọi phương tiện thông tin truyền thông, các nhà thuốc khuyên bệnh nhân uống không cần khám bệnh chẩn đoán và người dân truyền tai nhau uống thành những phong trào... Việc lạm dụng thuốc đã được nhiều cảnh báo nhưng xu hướng không hề giảm.
Việc kê đơn thuốc có nhiều thuốc bổ đã xảy ra từ lâu, ở nhiều nơi. Tác dụng thực sự của các loại thuốc bổ như vậy khó kiểm chứng, vì còn phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh. Nhưng điều dễ thấy trước mắt là có khi tốn rất nhiều tiền. Nguyên nhân là bác sĩ kê đơn có lợi nhuận cao trong số thuốc bổ đã kê, có khi đến 30 - 50% giá bán.
“Có khi đơn thuốc chữa bệnh chỉ 75.000 đồng nhưng thuốc bổ kèm theo là 2 - 3 triệu đồng” - một người cho biết.
Một người khác chia sẻ: “Ở một bệnh viện, tôi được chỉ định dùng thuốc cho bệnh mề đay nội tiết. Nhưng tờ kê đơn kèm theo kem dưỡng ẩm và sữa tắm của một hãng nước ngoài được kẹp sau tờ kê đơn; 99% số bệnh nhân không để ý đến điều này. Đến lúc ra thanh toán tiền thuốc hết 50.000 đồng, tiền kem dưỡng, sữa tắm hết 1,2 triệu đồng”…
Những câu chuyện tương tự được nhiều người sẻ chia. Thông thường, các bệnh viện, nhất là bệnh viện nhà nước đưa đơn thuốc bác sĩ kê lên hệ thống phần mềm để kiểm soát và bình đơn.
Tuy nhiên, không hiểu các bệnh viện tư có làm việc này? Nếu chưa, ngành y tế nên có quy định bệnh viện và phòng khám tư đưa đơn thuốc lên phần mềm quản trị để có thể kiểm tra. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu kiểm soát vấn nạn này, dư luận đòi hỏi đội ngũ thầy thuốc nâng cao Y đức, chú ý đến cả khía cạnh tài chính của người bệnh.
Bên cạnh đó, người bệnh nên tìm đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được khám và điều trị, không quá tin vào những lời quảng cáo thuốc bổ có cánh trên mạng xã hội.