Làm đủ cách, vẫn thiếu giáo viên trầm trọng!

Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên còn phổ biến tại hầu hết các địa phương, tập trung nhiều ở các môn học như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật

Mùa tựu trường đã bắt đầu nhưng vẫn còn phổ biến tình trạng thiếu giáo viên; cơ cấu đội ngũ nhà giáo cũng mất cân đối giữa các môn học, cấp học, giữa các vùng khác nhau.

Tỉnh nào cũng thiếu

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho hay năm học 2023-2024, quy mô giáo dục của thủ đô tiếp tục tăng 39 trường và 48.000 học sinh, nâng tổng số lên 2.913 trường với hơn 2,3 triệu học sinh. So với biên chế, Hà Nội còn thiếu khoảng 16.000 giáo viên (GV).

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết tình trạng thiếu GV đã gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô giáo ở tỉnh này do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường. Tỉnh này đang thiếu nguồn tuyển GV tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật theo chương trình mới. Đội ngũ biến động khá lớn mỗi khi kết thúc năm học do chuyển công tác về miền xuôi.

Năm 2024, UBND tỉnh Quảng Ninh giao số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách cho các cơ sở giáo dục trong tỉnh là 19.250 người và 1.145 chỉ tiêu hợp đồng lao động. Như vậy, so định mức, dự kiến đến đầu năm học 2024-2025 tỉnh này thiếu 243 cán bộ quản lý và 2.264 GV, chưa kể thiếu 1.911 nhân viên. Tình trạng GV thiếu nhiều diễn ra trong tất cả các địa phương của Quảng Ninh.

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho năm học 2024-2025 (tính đến tháng 7-2024) ở TP HCM là 3.522 GV và 720 nhân viên. Tính đến tháng 8-2024, việc tuyển dụng viên chức công tác ở các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đợt 1 là 337 viên chức, trong đó 263 GV và 74 nhân viên. Có 279 ứng viên trúng tuyển (gồm 253 GV và 44 nhân viên). Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết nguồn tham gia tuyển dụng chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng tại vị trí GV tiếng Anh bậc tiểu học, tin học, mỹ thuật, âm nhạc.

Tại Quảng Nam, năm 2024 toàn tỉnh được giao 23.741 biên chế GV nhưng đến nay mới sử dụng 21.354 biên chế, còn 2.387 biên chế chưa sử dụng, tập trung ở khối mầm non, tiểu học. Thiếu GV đã gây ra một số khó khăn trong công tác dạy và học, nhất là đối với các địa phương miền núi. Ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cũng nói tỉnh này thiếu khoảng 900 GV cho năm học mới, nhiều nhất là TP Quảng Ngãi thiếu khoảng 100 GV, huyện Trà Bồng hơn 100 GV.

Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định dự kiến tuyển dụng thêm 1.170 chỉ tiêu cho năm học tới. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương, đặc biệt là giáo viên mầm non. Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, cho biết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở tỉnh này diễn ra theo từng bộ môn, đơn vị, vùng miền do đặc thù ngành GD-ĐT định mức biên chế GV theo số lớp học, phân phối chương trình giảng dạy, hoạt động chuyên môn, kiêm nhiệm... Vì vậy, sự biến động về số lượng học sinh, lớp học hằng năm sẽ tác động đến biên chế GV theo từng môn học, đơn vị, vùng miền.

Năm học này Bình Dương có khoảng 521.000 học sinh, tăng 25.000 em so với năm học trước nên tiếp tục thiếu GV. Bà Nguyễn Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, cho biết thiếu khoảng 3.222 GV theo định mức, các thành phố có dân số đông như Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một thiếu nhiều nhất.

Khó tuyển, vì sao?

Tình trạng thiếu GV, nhất là bậc tiểu học tại TP HCM xảy ra từ nhiều năm nay.

Nhận định về nguyên nhân thiếu GV, lãnh đạo Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP HCM cho biết lý do là không tuyển dụng được, nhất là GV bộ môn (năng khiếu, tiếng Anh, tin học) số lượng đào tạo ra không đủ tuyển. Bên cạnh đó, chính sách thu hút, hỗ trợ GV chưa giúp cho GV ổn định cuộc sống, nhất là GV ngoại tỉnh.

Cũng theo Sở GD-ĐT TP HCM, lý do chưa sử dụng hết biên chế bởi không thể tuyển đủ số lượng cần thiết, một số vị trí không có ứng viên đăng ký. Điều này xuất phát từ áp lực về cải cách chương trình giáo dục, việc nâng cao trình độ, năng lực của nhân sự công tác trong ngành đòi hỏi ngày càng cao nên có nhiều áp lực đối với đội ngũ GV. Ngoài ra, số lượng, chất lượng GV được đào tạo từ các cơ sở giáo dục hiện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của sự gia tăng học sinh và tăng trường, lớp hiện nay. Một lý do nữa là mức lương chưa đủ sức thu hút và cạnh tranh nên khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân đội ngũ theo yêu cầu.

Để khắc phục tình trạng thiếu GV, Sở GD-ĐT TP HCM cho biết các trường sẽ tiếp tục ký hợp đồng với GV trong khi chưa tuyển dụng được nhân sự để bảo đảm hoạt động. Ngoài ra, các trường tham mưu, báo cáo nhu cầu nhân sự với phòng GD-ĐT, tham mưu UBND quận, huyện tiếp tục tổ chức tuyển viên chức để bảo đảm có đủ GV theo đề án vị trí việc làm đã phê duyệt. Các đơn vị chủ động liên hệ các trường đại học tìm kiếm nguồn GV còn thiếu để tạo nguồn tuyển.

Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) kiến nghị UBND huyện này tạm thời dừng chủ trương cho phép GV công tác tại địa phương chuyển đến nơi khác, đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút GV từ đồng bằng đến huyện này công tác. Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho rằng để GV miền núi không bỏ việc hoặc về xin chuyển công tác, cần có cơ chế đặc thù trong công tác tuyển dụng đối với người địa phương.

Một giờ dạy của giáo viên cắm bản ở điểm trường thôn Quế, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: Tử Trực

Một giờ dạy của giáo viên cắm bản ở điểm trường thôn Quế, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: Tử Trực

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, để khắc phục tình trạng thiếu GV, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nguồn nhân lực tại chỗ. Vừa qua, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thi tuyển nguồn nhân lực tại chỗ để tăng dần số lượng GV là người địa phương miền núi, giúp hạn chế việc luân chuyển GV từ đồng bằng lên.

Ông Nguyễn Đăng Thuận, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, cho biết việc tuyển dụng GV tại huyện miền núi này còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống trường lớp nằm phân tán ở các thôn, nóc xa xôi, giao thông cách trở, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế. Dùng GV hợp đồng để lấp khoảng trống chỉ là giải pháp tình thế, vì GV hợp đồng không thể đủ tâm huyết và trách nhiệm như GV đã có biên chế.

Theo ông Phạm Ngọc Thái, trước mắt để giải quyết tình trạng thiếu GV, ngoài hợp đồng GV bổ sung, ngành giáo dục Quảng Ngãi khuyến khích các trường phân công GV dạy liên trường, điều động GV từ trường thừa về trường thiếu nên phần nào giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ. Tuy nhiên, các giải pháp nói trên đều có những mặt hạn chế, nhất là địa bàn các huyện miền núi rộng, việc dạy liên trường gặp nhiều khó khăn.

"Những GV hợp đồng sẽ không an tâm và hạn chế về trách nhiệm trong công tác, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. GV hợp đồng ngắn hạn cũng khó theo dõi diễn biến chất lượng của học sinh để có những phương pháp điều chỉnh phù hợp trong quá trình giảng dạy" - ông Thái nói.

Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi có kế hoạch tuyển 727 chỉ tiêu GV. Nhưng dù tuyển đủ vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu GV cho các trường. Để khắc phục tình trạng thừa thiếu GV cục bộ, ngành GD-ĐT tỉnh Bình Định đã tổ chức tuyển dụng thường xuyên để sử dụng có hiệu quả số chỉ tiêu biên chế GV được giao hằng năm, đồng thời điều động, thuyên chuyển, bố trí kiêm nhiệm các hoạt động chuyên môn cho GV hợp lý. Với các trường hợp GV nghỉ hưu, thôi việc nhưng đang trong thời gian chờ tuyển dụng, các đơn vị đã thực hiện hợp đồng lao động để bảo đảm đủ số lượng GV cho hoạt động giảng dạy.

Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương đã và đang tích cực triển khai tuyển dụng GV và các huyện, thành phố được giao quyền tự chủ trong tuyển dụng viên chức ngành giáo dục; đồng thời phối hợp Sở Nội vụ đề xuất UBND tỉnh cho phép hợp đồng với số lượng GV còn thiếu. Một số giải pháp khác của Bình Dương là điều chuyển GV giữa các trường, các huyện, hợp đồng GV thỉnh giảng; tổ chức dạy trực tuyến kết hợp dạy trực tiếp…

Sức hút còn hạn chế

Bộ GD-ĐT cho hay sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục, năm học 2022-2023 đã bổ sung 27.850 biên chế và năm học 2023-2024 bổ sung 27.826 biên chế. Tính đến tháng 4-2024, các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 GV trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung.

Dù vậy, Bộ GD-ĐT thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại ở hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.

Thêm vào đó, cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Chỉ tiêu phân bổ GV cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỉ lệ GV/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD-ĐT.

Lý giải tình trạng thiếu GV, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do sức hút vào ngành còn hạn chế. Điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng, lương nhà giáo trẻ còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề...

Thêm vào đó, tình trạng GV nghỉ việc vẫn còn cao, nguồn tuyển GV một số môn học đặc thù còn thiếu. Việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu GV tăng. Công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu GV từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật.

Tính đến tháng 4-2024, cả nước còn thiếu 113.491 GV các cấp học mầm non, phổ thông. Năm học 2024-2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 GV tin học và 5.780 GV ngoại ngữ. Ở cấp THCS, môn công nghệ thiếu 11.598 GV, môn khoa học tự nhiên thiếu 2.366 GV, môn nghệ thuật thiếu 4.321 GV.

Sớm hướng dẫn thống nhất về vị trí việc làm

Trước thực tế thiếu GV, UBND TP HCM đã kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, phối hợp Ban Tổ chức Trung ương quan tâm, bổ sung biên chế GV trên cơ sở quy định về định mức, bảo đảm nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ em.

Đồng thời, Bộ Nội vụ sớm có hướng dẫn thống nhất về vị trí việc làm "Y tế học đường", "Công nghệ thông tin" và phối hợp Bộ GD-ĐT bổ sung vị trí việc làm "Công nghệ thông tin" vào danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để bảo đảm thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị ngành GD-ĐT, tạo điều kiện để đội ngũ viên chức yên tâm công tác và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong khi đó, ông Vừ A Bằng đề nghị không cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn; tăng chỉ tiêu đào tạo GV các môn đặc thù và GV tiểu học cho các cơ sở đào tạo để đáp ứng nguồn tuyển GV cho các địa phương. Đồng thời, áp dụng chính sách thu hút GV trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn như tiền thuê nhà, tiền đi lại, trực trưa... khi dạy tại các điểm bản.

Sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2024-2025 là phát triển đội ngũ GV, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo tuyển dụng. Quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế GV được giao tại Quyết định số 72 của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thiếu GV, nhất là GV mầm non, GV dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác xác định nhu cầu, triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo GV theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Nhóm Phóng viên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lam-du-cach-van-thieu-giao-vien-tram-trong-19624082621264752.htm
Zalo