Có thể giao các trường ĐH công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS?

Đề xuất giao cho các cơ sở giáo dục đại học được công nhận, bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư một lần nữa được nhắc đến khi quá trình xét công nhận các chức danh này năm 2024 sắp đến hồi kết.

Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, việc công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư do Hội đồng Giáo sư Nhà nước đảm nhiệm. Cơ sở giáo dục đại học (ĐH), viện nghiên cứu thực hiện bổ nhiệm chức danh GS, PGS theo nhu cầu vị trí công việc của từng trường.

Trước đó, để được bổ nhiệm, các ứng viên phải trải qua quá trình công nhận chức danh GS, PGS từ Hội đồng GS cơ sở, HĐGS ngành/liên ngành và cuối cùng là được HĐGS Nhà nước công nhận. Theo đánh giá của giới chuyên môn, quy trình xét công nhận chức danh GS, PGS hiện nay được thực hiện tương đối bài bản, công khai, uy tín. Tuy nhiên, so với thế giới thì có phần lạc hậu. Trước ý kiến đề xuất các trường ĐH có thể thực hiện công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS, giới chuyên môn cho rằng cũng nên “thử” nhưng cần có sự kiểm soát và thực hiện ở mức thí điểm. Vì rất lo sự biến tướng, lạm phát, mất kiểm soát.

Ở nước ngoài, nội hàm của từ GS, PGS là một vị trí làm việc có ràng buộc với trách nhiệm và mức thu nhập nhất định. GS hay PGS là quyết định tuyển dụng giữa trường ĐH, viện nghiên cứu với nhà khoa học, tức là giữa nhà tuyển dụng với cá nhân.

Còn ở Việt Nam, từ xưa tới nay giáo sư không phải là vị trí công tác mà còn được xem như học hàm, là sự công nhận của Nhà nước đối với nhà khoa học, rất danh dự và GS, PGS là ở cấp quốc gia.

GS. TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ cụ thể sự khác nhau trong việc công nhận chức danh GS, PGS ở Việt Nam và nước ngoài. Sau khi nhận bằng tiến sĩ của một trường ĐH tại Hà Lan, ông Trình trở về nước làm việc. Nghiên cứu của ông khi đó được trường nước bạn đánh giá mạnh nên vẫn giữ mối quan hệ đồng hành. Khi đó có nghiên cứu sinh làm nghiên cứu, nhà trường bên Hà Lan đề xuất ông cùng hướng dẫn nghiên cứu sinh này.

Luật của Hà Lan yêu cầu để hướng dẫn được nghiên cứu sinh thì phải là GS. Trường ĐH của Hà Lan đã bổ nhiệm ông làm GS của trường từ những năm 2014. Nhưng ở Việt Nam đến năm 2019 mới được công nhận, bổ nhiệm chức danh GS.

Ông Trình khẳng định ở Hà Lan, các trường ĐH bổ nhiệm vị trí GS, không phải là chức danh suốt đời như ở Việt Nam và chỉ là GS của trường đó, không phải là GS của đất nước Hà Lan. Điều đó có nghĩa là có khi ở trường này ông là GS nhưng chuyển sang trường khác có thể chỉ là PGS. Đây là chuyện bình thường của các trường ĐH ở Hà Lan. Nhưng nước này cũng có quy định sau vài năm làm GS ở các trường ĐH, viện nghiên cứu, họ sẽ có hội đồng ở cấp quốc gia xét và công nhận. Nếu đạt được tiêu chuẩn của hội đồng này thì ứng viên sẽ trở thành GS suốt đời, GS ở tầm quốc gia.

Ở Việt Nam, với quy định hiện nay có thể tạm coi là một dạng của GS, PGS suốt đời vì trong quy định của Thủ tướng, các đơn vị đào tạo, nghiên cứu sau 5 năm vẫn phải bổ nhiệm lại.

Từ mô hình quốc tế và của Việt Nam, GS Chử Đức Trình cho rằng nên kết hợp, không cứng nhắc thực hiện theo mô hình hiện nay của Việt Nam hay “nhập khẩu” 100% mô hình của nước ngoài. Vì thực tế sự phát triển của các trường ĐH Việt Nam có sự khác nhau nên không nên giao tự chủ cho tất cả các trường trong việc công nhận chức danh GS, PGS. Do đó, phải có thử nghiệm.

Nhưng khi thử nghiệm phải có chính sách rất rõ ràng. Vì có thể xảy ra tình trạng thử nghiệm xong đến khi quay lại công nhận chức danh GS ở cấp quốc gia lại gặp vướng. Phải có đề án cẩn thận, chạy thử để đánh giá. Không chỉ liên quan đến vị trí công việc mà còn danh dự của một người.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-the-giao-cac-truong-dh-cong-nhan-bo-nhiem-chuc-danh-gs-pgs-post1672854.tpo
Zalo