Lâm Đồng tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội'
Ngày 16/7, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội'.
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cùng đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCS) trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội; Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn TDCS, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị 40-CT/TW), do đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban Đại diện (BĐD) Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), trình bày, cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06- KL/TW đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức CTXH trong việc đẩy mạnh thực hiện TDCS.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW trên địa bàn tỉnh đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh; qua đó, nâng cao nhận thức về vai trò của TDCS, xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động TDCS là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện TDCS; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hạn chế việc cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội và phát triển kinh tế…
Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng TDCS đã được nâng lên rõ rệt; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được lồng ghép với các chương trình TDCS ưu đãi để phát huy hiệu quả TDCS; cùng với việc bổ sung Chủ tịch UBND xã tham gia BĐD HĐQT NHCSXH cấp huyện đã nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động TDCS tại cơ sở và đem lại hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các chương trình TDCS; đồng thời, quản lý tốt các nguồn vốn TDCS trên địa bàn xã; chất lượng TDCS được nâng cao, nợ quá hạn giảm.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt hơn công tác TDCS, UBND tỉnh đã rà soát, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH; đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi phù hợp với thực tế tại cơ sở…
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn TDCS có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Tổng nguồn vốn TDCS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến thời điểm 30/6/2024 đạt 5.987 tỷ đồng, tăng 176,21% so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,1%. Đặc biệt, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 624 tỷ đồng gấp 11,8 lần so với năm 2014, chiếm 10,42% trong tổng nguồn vốn; trong đó: Nguồn vốn ngân sách tỉnh 354 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách huyện 260 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là 9,4 tỷ đồng (cấp tỉnh 5,4 tỷ đồng, cấp huyện 4 tỷ đồng). Kết quả bổ sung nguồn vốn ủy thác từ địa phương là điểm nổi bật trong việc thực hiện chủ trương tập trung huy động nguồn lực để triển khai TDCS trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân trên thị trường và tiền gửi của tổ viên thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 931 tỷ đồng, 697,34% so với năm 2014, chiếm 15,56% trong tổng nguồn vốn.
Trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Đảng đối với TDCS, tỉnh Lâm Đồng rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là, quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về TDCS gắn với phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; cụ thể hóa thành chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để nhất quán quan điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua việc thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác; bên cạnh việc triển khai đồng thời các chính sách, dự án của Trung ương, địa phương cần tập trung xây dựng, ban hành đồng bộ, kịp thời cơ chế, chính sách, đề án riêng để hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo theo hướng tích hợp, đồng bộ với các chính sách của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; qua đó, phát huy tiềm năng, lợi thế và các yếu tố đặc thù của từng địa bàn, khu vực trong tỉnh.
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; trong đó, có việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách. Hoạt động cho vay ủy thác thông qua các Tổ chức CTXH là hướng đi đúng đắn, huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội, giúp việc chuyển tải nguồn vốn TDCS đến đúng đối tượng thụ hưởng nhanh nhất và hiệu quả nhất. Đồng thời, huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; trong đó, có nguồn vốn tín dụng chính sách. Trong điều kiện của một tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, bên cạnh các nguồn lực của ngân sách nhà nước, việc vận động, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội hóa để tăng cường hỗ trợ cho công tác giảm nghèo đã phát huy hiệu quả.
Mô hình hoạt động của BĐD HĐQT NHCSXH rất phù hợp với thực tế hoạt động của NHCSXH; gắn trọng trách, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn TDCS; sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ban đại diện giúp cho hoạt động của NHCSXH được nâng cao, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị cũng dự báo bối cảnh kinh tế - xã hội của địa phương và những vấn đề đặt ra đối với TDCS để xác định những nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS; cũng như các đề xuất, kiến nghị đến các cấp lãnh đạo để hoạt động TDCS ngày càng có chuyển biến tích cực, hiệu quả, mang đậm tính nhân văn của Đảng và Chính phủ…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, điểm qua lịch sử hình thành và phát triển của Ngân hàng Phục vụ người nghèo, NHCSXH Việt Nam; quá trình chuẩn bị để tham mưu ban hành Chỉ thị 40CT/TW và sự lan tỏa của Chỉ thị 40 trong vòng 10 năm qua. Đồng thời, đồng chí Dương Quyết Thắng cũng khẳng định sự thành công của hoạt động TDCS và mô hình NHCSXH phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam. Chỉ thị số 40-CT/TW đã khẳng định: TDCS là điểm sáng trong thực thi chính sách giảm nghèo…
Nhìn lại 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cho thấy, Chỉ thị đi vào cuộc sống, hợp ý Đảng, lòng dân. Tổ Tiết kiệm và Vay vốn là cánh tay nối dài làm nên sự thành công của NHCSXH. Các chương trình TDCS tạo nên thành quả to lớn trong công cuộc giảm nghèo, tạo lập công ăn việc làm, các công trình nước sạch hợp vệ sinh, học sinh sinh viên được trang trải chi phí học tập, nhà tạm được xóa… Nguồn vốn TDCS đã góp phần đạt được mục tiêu quan trọng trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chị thị 40-CT/TW đã thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tạo lòng tin giữa dân với Đảng, tính hiệu quả cao… Chính vì vậy, chúng ta cần tiếp tục tạo lập các nguồn lực chăm lo các đối tượng yếu thế.
Báo cáo của BĐD NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã chỉ ra những khó khăn và các đề xuất… Lâm Đồng cũng cần rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn tín dụng trên địa bàn; song song với việc tăng trưởng nguồn vốn để cho vay được nhiều hơn. NHCSXH cam kết sẽ tiếp tục đồng hành để hỗ trợ tối đa nguồn vốn vay cho tỉnh… Sau Hội nghị này, chúng tôi tin tưởng Tỉnh ủy Lâm Đồng và cả hệ thống chính trị sẽ hỗ trợ NHCSXH tiếp tục tạo lập niềm tin trong nhân dân, thực thi tiến bộ công bằng xã hội, thúc đẩy mục tiêu phát triển đi đôi với xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công để đảm bảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa…
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cảm ơn lời phát biểu trân quý của đồng chí Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam; đồng thời, khẳng định sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc của Ban Tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2024, của Ban Bí thư… Báo cáo Hội nghị đã toát lên được những kết quả của quá trình 10 năm thực hiện Chỉ thị; các tham luận từ sở, ngành, cấp huyện, cấp xã và đối tượng thụ hưởng thể hiện rất rõ hiệu quả của hoạt động TDCS…
Đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao công tác huy động được nguồn lực trong vòng 10 năm qua. Với khoảng 6.000 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nguồn vốn Trung ương đã tăng hơn 50% so với trước khi có Chỉ thị 40; nguồn vốn địa phương tăng hơn 11 lần so với trước khi có Chỉ thị. Thông qua CSTD, nguồn lực Trung ương và địa phương đã được huy động, nhiều đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động chưa có việc làm, sinh viên - học sinh, thậm chí là những người đã chấp hành xong án phạt tù… được tiếp cận nguồn vốn… Các tham luận đã khẳng định được tính hiệu quả của chính sách này, người dân cũng rất cần nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo, tránh tình trạng tín dụng đen… Sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa các ban ngành và địa phương trong tỉnh... TDCS là chủ trương rất đúng, rất trúng, rất hợp lòng dân, mang tính nhân văn sâu sắc, mang lại hiệu quả cao cho xã hội…
Từ quá trình triển khai thực hiện và thực tiễn cuộc sống của địa phương trong triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, các ngành và địa phương cũng như hộ vay có chung nhiều đề xuất, như hạn mức cao hơn, thời gian vay dài hơn… cũng mong Trung ương sẽ sớm tháo gỡ… Tỉnh cũng cam kết công tác quản lý nguồn vốn và triển khai thực hiện các chương trình TDCS tốt hơn; phối hợp chặt chẽ hơn, sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, TDCS sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và các tổ chức CTXH, các sở ngành là thành viên của BĐD HĐQT NHCSXH và các hộ vay vốn trình bày tham luận. Hội nghị cũng tổ chức khen thưởng các cấp: trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 18 tập thể và 24 cá nhân, trao Giấy khen của Tổng Giám đốc NHCSXH cho 10 tập thể và 12 cá nhân; trao Bằng khen của Trung ương Đoàn cho NHCSXH tỉnh…