Phác họa bức tranh về những vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi

Tình trạng bạo lực gia đình là vấn đề đáng lo ngại nhất ở cả 8 tỉnh khảo sát. Tiếp đó là tình trạng hủ tục lạc hậu và trẻ em bỏ học. Ngoài ra, phải xác định nước sạch vệ sinh là vấn đề cấp thiết cần đầu tư và thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

 PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, trình bày báo cáo tại hội thảo ngày 15/11

PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, trình bày báo cáo tại hội thảo ngày 15/11

Ngày 15/11, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo".

Tại hội thảo, PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, đã phác họa bức tranh toàn cảnh về những vấn đề đang cần quan tâm đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi thông qua Báo cáo kết quả rà soát lồng ghép giới và xác định vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số & miền núi.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo (trái) tham dự chỉ đạo, định hướng hội thảo "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo" vào ngày 15/11

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo (trái) tham dự chỉ đạo, định hướng hội thảo "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo" vào ngày 15/11

Được biết, báo cáo được thực hiện thông qua những số liệu từ cuộc khảo sát ban đầu (năm 2022) tại 8 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng; Cuộc khảo sát đánh giá giữa kỳ (năm 2023) tại 6 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Phước, Sóc Trăng và 3 cuộc Hội thảo khoa học quốc gia khu vực miền Bắc, Trung - Tây Nguyên và miền Nam.

Bạo lực gia đình là vấn đề đáng lo ngại nhất

Theo đó, kết quả khảo sát năm 2022 đã chỉ ra nhiều vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em mà người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang lo ngại. Tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ là vấn đề đáng lo ngại nhất ở cả 8 tỉnh khảo sát với tỷ lệ từ 30% - 76% người dân cho rằng đây là vấn đề cấp thiết. Vấn đề cấp thiết thứ hai là tình trạng hủ tục lạc hậu chưa bị xóa bỏ và vấn đề thứ ba là tình trạng trẻ em bỏ học.

Về nhận thức của phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số về bình đẳng giới, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, trong số 8 tỉnh khảo sát, nhận thức của người dân tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Sóc Trăng và Bình Phước còn mang định kiến giới cao hơn các địa bàn khác. Người dân Lai Châu được cho là có nhận thức về bình đẳng giới và khuôn mẫu giới đúng hơn so với các địa bàn khác.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nhận thức về bình đẳng giới của phụ nữ tốt hơn nam giới. "Điều này một phần do Hội phụ nữ là đầu mối truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới nên hội viên là người được hưởng lợi trực tiếp, chính vì thế họ có nhận thức tốt hơn về vai trò và quyền quyết định của phụ nữ trong gia đình ngày nay" - PGS.TS Dương Kim Anh nhận định.

Tại 3 cuộc Hội thảo khoa học quốc gia thực hiện trong năm 2024 cho kết quả khá tương đồng với kết quả khảo sát của Dự án 8.

Cụ thể, việc tiếp cận nước sạch của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp với 21,6% (trong khi cả nước là 52,2%). Việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế với 75,8% (trong khi các hộ dân tộc Kinh và Hoa là 94,6%); 11 nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh dưới 30%; 15,6% hộ dân tộc thiểu số không có nhà tiêu.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tỷ lệ biết chữ phổ thông của nữ thấp hơn của nam; độ tuổi đi học của trẻ em gái cao hơn trẻ em trai trên 10%. Tại Khu vực miền Nam, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ Khmer chỉ đạt 76,5%, thấp hơn đáng kể so với nam giới Khmer.

Lao động nữ dân tộc thiểu số tại miền Trung - Tây Nguyên làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn, đảm nhận công việc chăm sóc không lương >2 lần so với nam giới và 2,5 lần so với tỷ lệ nữ cả nước.

Kiến nghị xác định nước sạch vệ sinh là vấn đề cần thực hiện trong giai đoạn tới

Từ đó, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị đối với Dự án 8 như hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về giới cho mọi đối tượng đều cần tiếp cận theo xu hướng cá biệt hóa cho từng nhóm đối tượng.

Đặc biệt, phải xác định nước sạch vệ sinh là một trong những vấn đề cấp thiết cần đầu tư và thực hiện trong giai đoạn tiếp theo; cùng với đó, phát huy vai trò của Hội LHPN các cấp trong thực hiện truyền thông thay đổi hành vi về nước sạch vệ sinh trong Dự án.

Cần tiếp tục bền bỉ hướng dẫn cho bà con dân tộc thiểu số những bước đi cụ thể, đơn giản để bà con biết sử dụng vốn vay, mạnh dạn tham gia các tổ tiết kiệm vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Việc tập huấn nâng cao năng lực ra quyết định phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung, quyết định vay vốn nói riêng rất cần được thực hiện cho cả vợ và chồng…

Tiếp đó, kiên trì các hoạt động nâng cao biểu biết xã hội, kiến thức luật pháp, lồng ghép các nội dung cần tuyên truyền về vấn đề bình đẳng giới, về luật pháp vào các cuộc họp thôn.

Hải Yến - Ảnh: Tuấn Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phac-hoa-buc-tranh-ve-nhung-van-de-cap-thiet-voi-phu-nu-tre-em-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-20241115172424641.htm
Zalo