Lâm Đồng tìm giải pháp cứu nhà máy alumin khỏi nguy cơ ngừng hoạt động
Ngày 22-9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan giải quyết kiến nghị của Công ty nhôm Lâm Đồng - TKV về việc thiếu quặng bauxit, do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhận được thông tin về những vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng do Công ty nhôm Lâm Đồng - TKV phản ánh, TTXVN đưa tin.
UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét và trả lời kiến nghị của Công ty nhôm Lâm Đồng - TKV. Các cơ quan chức năng được yêu cầu hoàn thành việc xem xét và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp này trước ngày 10-10.
Theo ông Nguyễn Văn Phòng, Giám đốc của Công ty nhôm Lâm Đồng - TKV, doanh nghiệp đã nhận được sự chấp thuận của UBND tỉnh Lâm Đồng để khai thác quặng bauxit tại khu vực 5 năm (giai đoạn 3) với tổng diện tích 428,22 héc ta, theo văn bản số 4343/UBND-DC ngày 16-6-2022.
Mặc dù đã được UBND huyện Bảo Lâm phê duyệt từ đầu năm 2024, việc giải phóng mặt bằng để khai thác quặng bauxit vẫn còn nhiều vướng mắc. Đến nay, mới chỉ có 73,3 héc ta được hoàn tất thủ tục. Trong đó, chỉ có 40 héc ta có thể khai thác ngay do vị trí tập trung, diện tích còn lại chưa thể huy động vào khai thác do nằm rải rác, không có đường vào.
Theo tính toán, quỹ đất hiện có chỉ đủ để nhà máy alumin hoạt động đến hết ngày 25-9. Sau thời điểm này, nếu không có nguồn cung cấp quặng mới, nhà máy sẽ phải tạm ngừng sản xuất, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, cũng như việc làm của gần 1.400 người lao động.
Việc lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện đang bị đình trệ do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ UBND tỉnh và huyện về việc áp dụng Luật Đất đai mới.
Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất, Công ty nhôm Lâm Đồng - TKV kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2024, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để phục vụ sản xuất năm 2025.