Lâm Đồng: Tái hiện Lễ báo hiếu (Lơh chờ hờp me bàp in) của dân tộc M'Nông tại huyện Đam Rông
Tối ngày 25/4/2025, tại khu bảo tồn văn hóa xã Đạ Tông, UBND huyện Đam Rông (Lâm Đồng) tổ chức tái hiện Lễ báo hiếu (Lơh chờ hờp me bàp in) của dân tộc M'Nông trên địa bàn. Ðây là nghi lễ thể hiện sự biết ơn đến đấng sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu nên người. Đồng thời, là dịp để bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Đam Rông giao lưu, tìm hiểu nhằm giữ gìn và phát huy các nét đẹp về bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương.

Ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông phát biểu khai mạc
Cùng với nhiều nghi lễ, nghi thức của một vòng đời người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, với quan niệm tín ngưỡng đa thần, người dân tộc M’Nông ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông biết coi trọng nghi lễ báo hiếu (Lơh chờ hờp me bàp in).
Theo phong tục truyền thống của người M’Nông, khi cha mẹ đã hơn 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức Lễ báo hiếu nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đã sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Theo thời gian, tuổi càng cao, lễ mừng càng lớn. Lớn nhất là lễ mừng thọ khi cha mẹ được 70 tuổi. Đây là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ; thể hiện tình yêu thương, kính trọng người cao tuổi và lòng biết ơn của con cháu dành cho đấng sinh thành.
Lễ báo hiếu (Lơh chờ hờp me bàp in) của người M’Nông thường tổ chức vào tháng 1, 2 dương lịch hằng năm, sau khi đã kết thúc mùa làm nương rẫy. Trước kia buổi lễ báo hiếu cho bố mẹ thường được người con gái đầu tổ chức, nhưng ngày nay tất cả các con đều được tổ chức khi các con có điều kiện, đã trưởng thành và đã lập gia đình.


Nghi thức tại buổi lễ tái hiện Lễ báo hiếu (Lơh chờ hờp me bàp in) của dân tộc M’Nông
Ban tổ chức cho biết thông qua các hoạt động tái hiện Lễ báo hiếu (Lơh chờ hờp me bàp in) của người M’Nông tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông nhằm tuyên truyền đến bà con Nhân dân biết và từng bước xóa bỏ các tập quán lạc hậu không còn phù hợp ra khỏi đời sống xã hội; không tổ chức ăn uống linh đình, mang nặng tính chất trả nở miệng gây lãng phí. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh, con người huyện Đam Rông, đặc biệt là văn hóa truyền thống của dân tộc M’Nông đến với du khách trong và ngoài huyện, đồng thời ghi lại hình ảnh, tư liệu phục vụ công tác bảo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Với người M’Nông, mỗi khi tổ chức nghi lễ dù lớn hay nhỏ tại gia đình đều có sự tham gia của cộng đồng. Ðiều này thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, giáo dục cho con cháu trong gia đình, giáo dục buôn làng nếp ăn, lối ở, tính siêng năng, trung thực và sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng.