Ký ức tháng tư
Tháng tư, mưa xuân đã hết, cái lạnh se sắt cũng úa tàn dần nhường cho ánh nắng vàng làm bật nhú những mầm cây nào đó vẫn còn lười biếng 'ngủ vùi' trong suốt mùa đông. Tháng tư, hoa xoan rụng tím đường làng. Tháng tư - là sự thức dậy sinh sôi của muôn loài, như cô gái dậy thì đỏng đảnh, lúc mưa, lúc nắng, lúc nóng, lúc lạnh. Mùa đông như cũng dùng dằng nán lại, mùa hè vẫn e ấp chưa sang. Nên mới vừa mặc áo ấm buổi sáng, đã lại phải cởi phăng vào buổi trưa, rồi buổi tối đi ra đường phải khoác thêm chiếc áo khoác thế mà vẫn xuýt xoa trong cái lạnh se se.

Minh họa: BH
Tháng tư, là thế đấy, là bầu trời xanh ngắt, nắng vàng mênh mông, nhưng thỉnh thoảng vẫn điểm một cơn mưa rào đầu mùa ì ầm tiếng sấm. Bởi tháng tư là khúc giao mùa của thời tiết, mà cái thời điểm chuyển giao bao giờ cũng đẹp. Cũng như con người, tháng tư luôn mang theo nỗi nhớ của mỗi con người về một kỷ niệm của thuở học trò trước buổi chia tay...
Tôi cũng có một tháng tư đáng nhớ, tháng tư ấy đã cách đây tròn 50 năm. Đó là tháng tư của năm 1975, khi ấy tôi đang là cô sinh viên năm thứ nhất với rất nhiều bỡ ngỡ và cũng nhiều mộng mơ. Đối với một cô gái tỉnh lẻ, lần đầu tiên được bước chân đến giảng đường đại học lớn nhất miền Bắc lại thêm ở chốn thủ đô đang trong những ngày náo nức đón mừng tin chiến thắng của quân giải phóng miền Nam, đã là niềm sung sướng nhất đời...
Tháng tư năm ấy, như thể thiên nhiên cũng muốn đón chào ngày chiến thắng nên mùa hạ đến sớm hơn mọi năm. Bầu trời lúc nào cũng trong veo, nắng vàng lấp lánh, thỉnh thoảng mới có một cơn mưa rào chớp nhoáng. Chúng tôi ngồi học trong giảng đường mà tâm trí cứ để hết vào chiếc loa phóng thanh của nhà trường. Không ai là không hồi hộp, không ai là không có những nỗi niềm bâng khuâng khi nghĩ đến giờ phút thiêng liêng sắp đến. Người nghĩ đến người thân, anh, em hoặc người yêu đang xông pha nơi chiến trận, liệu có nguyên vẹn trở về trong ngày chiến thắng?.
Rồi chờ đợi, rồi nín thở nghe ngóng, rồi cái giây phút mà ai cũng mong đợi ấy cũng đã đến. Nó vỡ òa khi Đài tiếng nói Việt Nam long trọng báo tin: “Vào 11 giờ 30 phút sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân giải phóng đã cắm lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc Lập, chính thức làm chủ hoàn toàn thành phố Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn do tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam...”. "Hòa bình rồi, hòa bình thật rồi!”. Tất cả ùa reo, tất cả cùng ôm nhau nhảy múa, có người còn trào nước mắt. Ngay buổi chiều hôm đó, chúng tôi được nghỉ học để chuẩn bị cho cuộc diễu hành đón mừng chiến thắng vào ngày mai. Người nào cũng được phát một chiếc cờ nhỏ bằng giấy, cờ đỏ sao vàng và cờ nửa xanh nửa đỏ. Con trai phải mặc quần áo tươm tất đóng sơvin, con gái mặc áo dài, vì trường chúng tôi được diễu hành qua khán đài ở Quảng trường Ba Đình.
Tôi nhớ, khi đó tôi rất lúng túng vì không có áo dài, với lại, cũng chưa bao giờ được mặc áo dài. Thời đó, nữ sinh chúng tôi có được chiếc áo sơ mi trắng với chiếc quần lụa đen là sang lắm rồi. Tôi rất buồn vì nghĩ không có áo dài sẽ không được diễu hành qua quảng trường. Nhưng may sao lớp tôi có một chị bạn người Hà Nội, chị ấy đã mang đến một lô áo dài bảo là mượn của mẹ, của cô, của dì chị ấy. Thế là lần đầu tiên trong đời, tôi được mặc một chiếc áo dài thật đẹp của những thiếu nữ Hà Thành khuê các. Chiếc áo dài kiểu tân thời, không khác mấy bây giờ, vải bằng thứ lụa tơ tằm mát mịn và nhẹ như bông, nền màu trắng điểm những chiếc lá nhỏ li ti màu xanh lá cây. Tôi mặc vừa khít và cảm thấy mình đẹp lên rất nhiều.
Sáng 1/5, chúng tôi dậy từ 3 giờ sáng để tập trung theo từng đoàn chờ tiến vào Quảng trường Ba Đình. Khi tôi theo đoàn diễu hành tiến vào quảng trường, tay giơ cao chiếc lá cờ đỏ sao vàng, hươ hươ lên cao đón chào những vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các vị tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trang phục đại lễ màu trắng rất uy nghiêm. Trong dàn nhạc diễu hành, tôi được nghe một bản nhạc rất hay, sau đó ít ngày tôi mới được biết đó là bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên và chúng tôi đã được tập hát bài đó trong những buổi sinh hoạt lớp và văn nghệ đầu giờ.
50 năm trôi qua, tưởng như thời gian đã phủ mờ tất cả. Nhưng với tôi, tháng tư luôn là kỷ niệm không bao giờ quên của cái thời thiếu nữ ấy. Đó là tháng tư rực rỡ cờ hoa, tháng tư tưng bừng niềm vui chiến thắng, một tháng tư thiêng liêng đối với toàn dân tộc Việt Nam. Ngày 30 tháng 4 năm 1975.