Lâm Đồng đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 3.000 tỷ đồng làm cao tốc

Liên quan đến 3 dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và Nha Trang - Đà Lạt, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 3.000 tỷ đồng để sớm triển khai.

Tiếp nhận hàng chục tỷ đồng xóa nhà tạm, dột nát

Chiều 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự lễ tiếp nhận ủng hộ Chương trình 'Xóa nhà tạm, nhà dột nát' tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa cảm ơn đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp ủng hộ cho Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa cảm ơn đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp ủng hộ cho Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp, nhà tài trợ ủng hộ tiền để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống nhân văn, nhân ái tốt đẹp của xã hội ta.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.970 hộ nghèo, kinh phí cần thiết để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát khoảng 107 tỷ đồng. Kể từ khi phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát", tỉnh Lâm Đồng nhận được 22 tỷ đồng tiền ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho tới trước sự kiện hôm nay.

Việc làm ấy thể hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

"Năm 2025 là năm có nhiều sự kiện trọng đại như kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9…, do đó không có lý do gì người dân vẫn phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát.

Chính vì lẽ đó, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương quyết định phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay 'Xóa nhà tạm, nhà dột nát' để quyết tâm hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2025', Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Tại buổi lễ, tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận ủng hộ của các doanh nghiệp 41 tỷ đồng để góp phần thực hiện phong trào thi đua 'Xóa nhà tạm, nhà dột nát' trên địa bàn tỉnh.

Có thể ưu tiên làm trước một cao tốc

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp đến cuối năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết năm 2023, kinh tế của địa phương này duy trì tốc độ tăng trưởng 5,6%, tổng thu ngân sách đạt 13.100 tỷ đồng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt hơn 86 triệu đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lâm Đồng thu ngân sách đạt 8.293 tỷ đồng.

Liên quan đến 3 dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và Nha Trang - Đà Lạt, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 2.400 tỷ đồng và cho phép tỉnh này áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm cho dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Bên cạnh đó hỗ trợ thêm nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 920 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Đồng thời, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng cho triển khai đầu tư dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trước năm 2030; chấp thuận phương án nhà nước hỗ trợ 70% vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án để trình Quốc hội phê duyệt cho chủ trương đầu tư; giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc này theo phương thức đối tác công tư.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn thảo luận tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn thảo luận tại buổi làm việc

"Hiện Bộ Giao thông vận tải đang cùng tỉnh Lâm Đồng tìm mọi nguồn vốn để hỗ trợ tỉnh thực hiện các dự án đường cao tốc. Trong đó hai dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua, việc điều chỉnh như tỉnh Lâm Đồng đề nghị là phù hợp. Tuy nhiên cần phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tính toán bố trí nguồn vốn từng giai đoạn phù hợp", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho hay.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành cần giúp đỡ tốt cho tỉnh Lâm Đồng, trên tinh thần chia sẻ, cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Với các đề xuất của tỉnh, Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng phụ trách mời các Bộ, ngành lên bàn bạc, có thể ưu tiên làm 1 tuyến cao tốc trước, và phải làm cho xong.

Thực hiện 3 đột phá mang tính đặc thù

Theo báo Chính phủ, cùng với 3 đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng, nhân lực) mà Đảng, Nhà nước đã xác định, Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng tập trung thực hiện 3 đột phá mang tính đặc thù với địa phương.

Thứ nhất, đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp là hai lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn.

Thứ hai, đột phá phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí.

Thứ ba, dành thời gian nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, ưu đãi để huy động mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp để phát triển nhanh bền vững, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng.

Thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh, nhất là phát triển 3 tiểu vùng động lực, 5 hành lang kinh tế..., tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển.

Cơ cấu lại, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng thương hiệu. Phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn với nhiều loại hình du lịch.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, con người Lâm Đồng; chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, để mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.

Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để phát triển. Chú trọng công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…

Thái Lâm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lam-dong-de-nghi-chinh-phu-ho-tro-hon-3000-ty-dong-lam-cao-toc-post1666863.tpo
Zalo