APEC nỗ lực đẩy lùi các xu hướng làm yếu đi tiềm năng phát triển
Trong bối cảnh nguyên tắc đa phương suy yếu và áp lực phân mảnh kinh tế toàn cầu, việc giữ vững các nguyên tắc nền tảng của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là một trong những thách thức quan trọng bậc nhất. Cùng với đó là đẩy lùi các xu hướng có thể làm yếu đi tiềm năng phát triển thịnh vượng của khu vực.
Năng động, tự cường và hòa bình
Những ngày này, thách thức và cơ hội định hình tương lai khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia. Các nhà lãnh đạo APEC cũng đang thảo luận về nhiều nội dung nhằm định hình các nỗ lực chung.
Thành lập từ năm 1989 đến nay, APEC có 21 nền kinh tế trên vành đai châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó có các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản...; 9 thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20); nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động.
Quy tụ lượng thành viên có tiềm lực, APEC chiếm hơn 38% dân số thế giới, 62% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 48% thương mại quốc tế. APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc.
Trong tuần này, Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Thủ đô Lima của Peru, trong bối cảnh thế giới chứng kiến xu hướng phân mảnh và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Cùng với đó là những dấu hiệu ngày càng rõ nét của khủng hoảng khí hậu. Peru đã 3 lần đăng cai tổ chức APEC. Riêng trong kỳ hội nghị này, Peru tổ chức hơn 200 cuộc họp kỹ thuật và cấp cao với chủ đề “Trao quyền - Bao trùm - Tăng trưởng”.
Thông điệp mà nước chủ nhà Peru truyền tải phản ánh mong muốn tăng cường năng lực cho các chủ thể kinh tế dễ bị tổn thương bằng cách cung cấp cho họ các công cụ hòa nhập kinh tế - xã hội.
Dựa trên các nguyên tắc đa phương và chủ nghĩa khu vực mở, APEC năm nay đã ghi nhận nhiều nỗ lực duy trì trọng tâm các chiến lược và lộ trình hướng tới hội nhập toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong các hoạt động thương mại và đầu tư cho tăng trưởng liên kết, ứng dụng đổi mới và số hóa cho tăng trưởng bao trùm, bảo đảm tăng trưởng bền vững cho phát triển bền vững.
Đặc biệt, một thành tựu quan trọng của APEC Peru 2024 là khôi phục sự đồng thuận trong diễn đàn, điều đã bị gián đoạn trong hai năm do bối cảnh quốc tế phức tạp.
Hàng năm, hoạt động của APEC gồm: Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế; Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế, các hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành về thương mại, tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các lĩnh vực khác như cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, an ninh lương thực, phụ nữ và kinh tế, y tế, năng lượng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông... Cùng với đó là 5 hội nghị các quan chức cao cấp, cùng nhiều hội nghị, hội thảo của các ủy ban, nhóm công tác và các cơ chế cấp làm việc khác thuộc các kênh chính phủ, học giả và doanh nghiệp.
Hợp tác kinh tế của APEC tập trung vào ba trụ cột chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế - kỹ thuật, nâng cao năng lực, phát triển bình đẳng và bền vững.
Đây chính là cơ sở để các nhà lãnh đạo APEC thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.
Vai trò quan trọng và tầm vóc của Việt Nam
Trong 35 năm qua, APEC đã thúc đẩy hiệu quả hội nhập thương mại và đầu tư tại khu vực kinh tế năng động nhất thế giới.
APEC cũng là nơi thử nghiệm các thông lệ và sáng kiến tốt nhất, khuyến khích thương mại và đầu tư tự do, góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững của các thành viên.
Theo ông Bùi Văn Nghị - Đại sứ Việt Nam tại Peru, trong 26 năm tham gia APEC, các bộ, ngành của Việt Nam tiếp tục tranh thủ tốt các nguồn lực của APEC nhằm nâng cao năng lực; chủ trì hoặc đồng chủ trì với một số thành viên các dự án về thương mại điện tử, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó tình trạng khẩn cấp, y tế biển, tăng trưởng bền vững và bao trùm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy chuỗi cung ứng tự cường.
Việt Nam đã góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam là một trong số ít thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào năm 2006 và 2017; Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 150 dự án trên nhiều lĩnh vực; Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005 - 2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt. Việt Nam hiện là Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2026 - 2030.
Kể từ khi đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC 2017, với tinh thần chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, Việt Nam tiếp tục tham gia đóng góp tích cực trong hợp tác APEC; thúc đẩy triển khai nhiều chương trình, sáng kiến quan trọng của APEC 2017, nhất là sáng kiến về xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Với Tầm nhìn APEC 2040 và Kế hoạch hành động triển khai Tầm nhìn được các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên thông qua, APEC đã hoàn tất thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra tháng 11/2017, tại thành phố Đà Nẵng. Dự kiến Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức APEC vào năm 2027.
Chủ đề của Hội nghị cấp cao APEC năm 2024 là Trao quyền - Bao trùm - Tăng trưởng với 3 ưu tiên gồm: Thương mại và đầu tư để tăng trưởng bao trùm và kết nối; sáng tạo và số hóa để tăng cường chuyển đổi sang kinh tế chính thức và kinh tế toàn cầu; tăng trưởng bền vững để phát triển tự cường.