Lâm Đồng chấn chỉnh các địa phương chậm trễ đấu giá cát, sỏi tận thu từ lòng hồ
Tại văn bản số 1180/UBND-TL, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân một số huyện nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc chậm trễ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái (thứ hai từ trái sang) trong một chuyến thị sát địa phương (Nguồn: Báo Lâm Đồng)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái vừa có văn bản yêu cầu một số huyện trên địa bàn tỉnh nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc chậm trễ hoàn thiện hồ sơ thủ tục để tổ chức đấu giá cát, sỏi.
Đây là khối lượng cát, sỏi, sạn đặc biệt lớn tận thu được trong quá trình nạo vét các lòng hồ thủy điện, thủy lợi, do vướng cơ chế của tỉnh nên tồn lại. Trong khi đó, các công trình xây dựng của Nhà nước và người dân đang phải sử dụng cát, sỏi nhập từ tỉnh lân cận với giá gấp gần 3 lần giá gốc.
Tại văn bản số 1180/UBND-TL, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc chậm trễ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tổ chức đấu giá khối lượng cát, sạn, sỏi đã được thu hồi, tận thu trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn.
Mặc dù trước đó Ủy ban nhân dân tỉnh đã lần lượt ban hành 5 văn bản chỉ đạo khẩn trương thực hiện, nhưng các địa phương trên chậm trễ triển khai ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và nguồn cung vật liệu xây dựng ở tỉnh.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đôn đốc, theo dõi tiến độ và tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện đấu giá khối lượng khoáng sản thu hồi từ các dự án nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi, gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 hằng tháng.
Đồng thời, Sở báo cáo, đề xuất xử lý trách nhiệm đối với các địa phương chậm trễ thực hiện nội dung trên. Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập tổ công tác kiểm tra việc chấp hành hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tổ chức đấu giá khối lượng cát, sỏi, sạn được thu hồi trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh…
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, hiện ở tỉnh có 19 giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện đang còn hiệu lực. Trong đó, có 2 giấy phép do Bộ Công Thương cấp, 17 giấy phép do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp. Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tổ chức đấu giá khối lượng cát, sạn, sỏi được thu hồi từ hoạt động nạo vét lòng hồ rất chậm.
Trong toàn tỉnh mới chỉ có 2 huyện Lạc Dương và Di Linh hoàn thiện hồ sơ và được Ủy ban nhân dân tỉnh nhanh chóng phê duyệt giá khởi điểm đấu giá. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động nạo vét lòng hồ.
Ngày 25/9/2024, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có bài viết “Loay hoay tìm phương án đấu giá và sử dụng cát sỏi tại tỉnh Lâm Đồng”. Nội dung phản ánh đã gần 2 năm qua, thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gặp phải tình cảnh trớ trêu trong công tác quản lý. Đó là việc hàng trăm nghìn mét khối cát, sỏi khai thác tận thu từ việc nạo vét các lòng hồ thủy điện, thủy lợi đang bị bỏ không trên bờ, mỗi khi mưa lại trôi trở lại lòng hồ.
Trong khi đó, các công trình xây dựng của Nhà nước, của người dân lại đang phải mua cát, sỏi từ các tỉnh lân cận với giá gấp gần 3 lần giá gốc.
Nguyên nhân là do các sở, ngành, địa phương ở tỉnh từ tháng 2/2023 vẫn loay hoay chưa tìm ra phương án xử lý khối lượng khoáng sản trên và do quá trình thực hiện một cách máy móc, sợ vướng phải các quy định của Nhà nước về quản lý tài nguyên khoáng sản./.