Làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh nguy hiểm
Năm 2024, Việt Nam đã làm chủ nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh nguy hiểm, góp phần cứu chữa nhiều bệnh nhân, nâng cao vị thế của y học Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến.
Chiều ngày 30/12, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức "Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành KH&CN".
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, năm 2024, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân.
Nhiều thành tựu KH&CN được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, quốc phòng, an ninh...; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Năm 2024, hệ sinh thái KNST của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 44 năm 2024. Kết quả GII 2024 của Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.
Theo Bộ KH&CN, các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên gặt hái được nhiều thành tựu. Các lĩnh vực khoa học tự nhiên, như toán học, vật lý tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Đội ngũ trí thức khoa học tự nhiên đã xây dựng được nền tảng cho một số ngành khoa học tự nhiên hiện đại, góp phần quan trọng để Việt Nam chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Lĩnh vực công nghệ sinh học, hầu hết các nhiệm vụ KH&CN đã được triển khai theo định hướng nghiên cứu ứng dụng. Các công trình nghiên cứu đã đạt được nhiều thành công, và được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đã nghiên cứu, ứng dụng và từng bước làm chủ được công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh và chống chịu với điều kiện bất thuận và ứng dụng vào sản xuất.
Bảo tồn, khai thác và phát triển được một số nguồn gen cây trồng, vật nuôi, dược liệu, vi sinh vật quý, hiếm có giá trị ứng dụng để phát triển phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, y - dược, bảo vệ môi trường và an ninh - quốc phòng.
Trong lĩnh vực xây dựng, tiếp tục nghiên cứu làm chủ thiết kế, xây dựng các công trình quy mô lớn, phức tạp; trình độ quản lý dự án, thiết kế và thi công của các Nhà thầu Việt Nam đối với nhà cao đến 55 tầng tương đương trình độ khu vực.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), khẳng định vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu.
Trong lĩnh vực khoa học y - dược, Việt Nam đã làm chủ nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh nguy hiểm, góp phần cứu chữa nhiều bệnh nhân, nâng cao vị thế của y học Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như kỹ thuật ghép tạng; phát triển các kỹ thuật cao trong phẫu thuật, can thiệp ít xâm lấn; ứng dụng các phương tiện kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng chẩn đoán các bệnh lý, nghiên cứu phát triển công nghệ phòng, chống ung thư; làm chủ công nghệ và sản xuất được nhiều loại vắc xin để phòng bệnh chủ động - dự phòng hiệu quả nhất đối với nhiều loại dịch bệnh.
Năm 2025, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ TTTT triển khai thực hiện Đề án hợp nhất Bộ TTTT và Bộ KH&CN, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông theo đúng quy định của pháp luật, đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra theo yêu cầu của Ban chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Xây dựng, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 4 Luật chuyên ngành, gồm: Luật KH,CN&ĐMST, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là phục vụ triển khai chủ trương xây dựng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội thông qua....