Làm báo ở một nơi đặc biệt

Bài 4:
KỲ TÍCH TRONG LỊCH SỬ BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

BPO - Tuy điều kiện hoạt động rất khó khăn, báo chí cách mạng trong nhà tù Côn Đảo, cũng như ở các nhà tù thực dân, đế quốc khác tại Việt Nam, đã thực hiện rất tốt vai trò tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, giữ vững tinh thần cho những người tù yêu nước bị giam giữ. Báo chí cách mạng ở đây đã góp phần cổ vũ, động viên các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù hà khắc, chống đánh đập, hạn chế khổ sai, bảo vệ danh dự người cộng sản, đòi ân xá chính trị... Với những sáng tạo trong thực hiện và giá trị mang lại, báo chí ra đời nơi “ngục lửa” xứng đáng là kỳ tích trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Vũ khí đặc biệt trên mặt trận tư tưởng

Vừa có dịp trở lại thăm Côn Đảo, trong dòng người trở về thăm hệ thống nhà tù thực dân, đế quốc, nơi sống và làm việc của các chúa đảo…, thấy chúng tôi đặt vấn đề với hướng dẫn viên du lịch là muốn tìm hiểu về hoạt động làm báo ở nhà tù Côn Đảo, nhiều du khách trong đoàn thì thầm: Ở nhà giam thì làm gì có báo chí, đừng nói là làm báo! Người tù chỉ có tay không với gông cùm, xiềng xích thì sao có thể làm báo? Các anh, chị có nhầm không đấy?...

Không nhầm. Chúng tôi được giới thiệu đến Bảo tàng Côn Đảo. Nơi đây còn lưu giữ và trưng bày một số tờ báo, tập san xuất bản trong tù cùng một số thiết bị, công cụ làm báo, pin, radio… Những tờ báo, trang thiết bị làm báo in, phát thanh được bảo quản, trưng bày khá trang trọng, tỉ mỉ và bắt mắt ở vị trí trung tâm khu trưng bày hiện vật của bảo tàng.

Tranh vẽ tù nhân Côn Đảo nghe radio trong phòng giam - Ảnh chụp lại từ Bảo tàng Côn Đảo

Tranh vẽ tù nhân Côn Đảo nghe radio trong phòng giam - Ảnh chụp lại từ Bảo tàng Côn Đảo

Tìm hiểu từng trang báo, chúng tôi vô cùng khâm phục cả về nội dung và cách thức trình bày của các tờ báo. Thật dũng cảm và thông minh, sáng tạo, những người tù chính trị Côn Đảo đã tranh thủ mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng, miễn sao xuất bản báo đúng ngày, có nhiều nội dung phong phú nhất, tuyên truyền đến anh em tù nhân Côn Đảo. Cũng bởi vậy, báo xuất bản bằng giấy vở kẻ ô li của học sinh, nhưng trình bày ấn tượng và theo một logic chặt chẽ, có chủ đề, chủ điểm. Mỗi số báo xuất bản đều có lời mở đầu, có xã luận, bình luận, nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, truyện ngắn, thơ ca, có tìm hiểu về ngân hà, về hệ mặt trời… Lời kết ở trang cuối của tờ báo là thông điệp từ Ban biên tập, mong muốn nhận được nhiều bài viết, góp ý gửi về để các số báo sau được sinh động, hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu của người đọc. Một cách làm báo rất đặc biệt, luôn cầu thị, lắng nghe mọi ý kiến góp ý, trên tinh thần lấy người đọc là trung tâm phục vụ. Đây cũng là cách để tờ báo thêm hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu của người đọc.

Lật giở từng trang báo, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mỗi số báo là một tập hợp những bài viết ở nhiều thể loại, cách thức diễn đạt, trình bày khác nhau, nhưng nội dung chính là động viên anh em tù nhân nỗ lực vượt khó, giữ vững khí tiết người cộng sản, kiên quyết, kiên trì đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, bảo vệ Đảng, cách mạng và Bác Hồ. Mở đầu bài “Dương cao ngọn cờ độc lập tự do Hồ Chí Minh”, tác giả viết:

“Cả vùng trời trại I rung chuyển. Tiếng dội vang vang từng hồi theo nhịp hô la.

- Phản đối hành động của nhà cầm quyền xúc phạm tư tưởng tù nhân.

Phản đối. Phản đối. Phản đối.

- Phản đối chủ trương hành động xúc phạm lãnh tụ chúng tôi.

Phản đối. Phản đối. Phản đối.

Chưa có lần nào các phòng thống nhất đấu tranh nhanh chóng như lần này. Đại diện vừa báo xong, anh em liền tiến lên: Phải hành động, nay không còn chần chừ gì nữa. Nhiều người nói: đấu tranh dân sinh dân chủ thì còn suy đi tính lại, còn đây là chính trị, không còn tính thiệt hơn gì nữa, chỉ có hành động hay không mà thôi…”.

Những bài phản ánh tinh thần đấu tranh ở các phòng trại như thế được đăng phát rất nhiều và bám sát theo dòng thời sự, tình hình chiến sự bên ngoài hay các diễn biến tâm lý của anh em tù nhân để cùng nhau rút kinh nghiệm. Báo chí lúc này được xem như một liệu pháp tinh thần rất hữu hiệu với anh em tù nhân. Mỗi lần chi bộ phát động phong trào đấu tranh chống chế độ tàn bạo của nhà tù, đưa ra yêu sách thì các tờ báo đều tích cực vận động cho các cuộc đấu tranh.

Tù nhân Côn Ðảo truyền tin cho nhau trong phòng giam

Tù nhân Côn Ðảo truyền tin cho nhau trong phòng giam

Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: Tính Đảng được đo bằng sự sinh tử của mỗi người tù cộng sản, của mỗi đồng bào ta khi đọc tờ báo. Những người viết báo bị kẻ địch phạt nặng, thậm chí tử hình đã đành, nhưng người lưu truyền nó, đọc nó cũng sẽ bị trừng phạt, cho nên không gì cao hơn tính Đảng bằng sự sống chết của mỗi con người. Thế cho nên tính Đảng cao nhất được đo bằng sự sinh tử của người cầm bút, người làm báo trong tù…

Người tù chính trị làm báo không chỉ để giải trí, học tập mà còn để đấu tranh - đấu tranh với chính những chao đảo trong tư tưởng của mình. Bởi chính những người trong cuộc, những tù nhân chính trị hiểu rất rõ một điều như chân lý là trong cảnh tù đày bị o ép, cách ly với hàng trăm ngàn kiểu cách tra tấn, đọa đày, dụ dỗ, mua chuộc của địch, thì yếu tố tư tưởng có giá trị quyết định tất cả.

PGS.TS NGUYỄN QUỐC DŨNG, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, TP. Hồ Chí Minh

Năm 1945, đồng chí Lê Văn Lương, Đảo ủy viên được phân công trực tiếp chỉ đạo xuất bản tờ Độc lập để góp phần phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Trang đầu tờ báo in 2 từ “Độc lập” thật to, tiếp theo là bài xã luận nhan đề: “Kiên quyết bảo vệ Độc lập - Tự do của Tổ quốc”. Năm 1949, nhân dịp Liên đoàn tù nhân Côn Đảo ra đời, Chủ tịch Tư Ba Đào ra lời hiệu triệu in trên tạp chí Côn Đảo mới, kêu gọi toàn thể tù nhân đoàn kết xung quanh Ban Chấp hành, thực hiện đúng các đường lối của Ban Chấp hành, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao ý chí chiến đấu và cải thiện sinh hoạt vật chất, tinh thần. Lời kêu gọi được tù nhân hưởng ứng mạnh mẽ.

Bên cạnh những bài viết lúc mạnh mẽ, đả kích sâu cay nhà cầm quyền, khơi gợi lòng trung dũng ở tù nhân chính trị, khi lại hiền hòa dịu êm, vỗ về những tâm hồn, không để “nghiêng ngả”, xao động… trước đòn roi hay những lời dụ ngọt của kẻ thù. Báo chí đã thực sự làm tròn sứ mệnh là vũ khí đấu tranh trên mặt trận tư tưởng; có đấu tranh, có xây dựng, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực và mang tính định hướng sâu sắc. Tôn chỉ làm báo có thể thấy trong “Lời tòa soạn” của tờ Sinh hoạt: “Bước đầu chập chững trên đường sáng tác phục vụ, Sinh hoạt hy vọng phản ánh một phần nào cuộc sống và chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của chúng ta trong nanh vuốt kẻ thù, để bảo tồn lý tưởng”…

Các bài viết trên tờ Xây dựng và Sinh hoạt của tù nhân Côn Ðảo

Các bài viết trên tờ Xây dựng và Sinh hoạt của tù nhân Côn Ðảo

Mỗi bài viết là những tiếng lòng của người tù về thực tại khắc nghiệt ở “địa ngục trần gian”, sự đúc kết giàu tính nhân văn, chân thực. Mở đầu bài viết “Những lá thư nhà” đăng trên tờ “Sinh hoạt trẻ” của Trại 6 khu B, nhà tù Côn Đảo có đoạn: “Những lá thư nhà đến với anh em chúng ta giữa chuỗi ngày bị giam cầm, đày đọa trong ngục tù Côn Lôn khắc nghiệt của Mỹ Thiệu. Lũ quân dạ thú không sao cắt đứt nổi tình thương anh em chúng ta với gia đình, bà con thân thuộc. Chúng càng dã tâm ngăn cách, càng thổi bùng lên ngọn lửa tình cảm mãnh liệt trong đồng bào ta, anh em ta càng bền chí đấu tranh đến ngày thắng lợi”. Những bài viết như thế đã góp phần cổ vũ, động viên anh em tù nhân chính trị kiên trì vượt khó, luôn tin vào ngày mai tươi sáng.

Hay như đoạn: “Đêm nay là đêm thứ mười sáu tuyệt thực. Toàn trại vắng lặng như cảnh chết. Trong phòng giam la liệt những thân gầy khô đét, thoi thóp dán mình trên những mảnh chiếu rách, đã nát tự bao giờ. Mười sáu ngày đêm không quét dọn, cát bụi, rác rến như muốn ngập lút người. Mùi hôi thúi thoát ra từ những thùng nước để trên đầu, những bộ quần áo rách nát vá trăm tấm dày cui, rít rắm vì của mồ hôi và đất cát. Ruồi nhặng, muỗi, rệp như được dịp tìm cái ăn trong đống đồ dơ, rút rỉa những tia máu cặn của tù, mà lũ giặc chưa bòn rút hết. Quanh tôi, mọi người đang thiêm thiếp, gương mặt hốc hác, nhợt nhạt phơi dưới ánh đèn vàng như những thây ma. Tôi có cảm giác như mình đang nằm trong nhà xác. Cơn đói dịu dần, toàn thân nhẹ bỗng, tuy cái bụng tôi lép xẹp. Mấy cái xương gu nhô lên nhọn hoắt như những ngọn núi trẻ cực thoát ra ngoài lớp da nhăn nhúm. Tôi trở mình, kê đầu lên cho đỡ ngợp. Càng về khuya gió càng thổi mạnh, thốc và rặng dương vun vút. Tiếng sóng biển gầm gừ vọng lại từ xa như tiếng uất hờn, nguyền rủa kẻ sát nhân…” (trích bút ký “Tâm tư” của tác giả N đăng trên tờ Sinh hoạt của Trại 6B). Bài viết đã phản ánh chân thực cuộc sống của tù nhân Côn Đảo bị đọa đày dưới gót giày thực dân, đế quốc, cũng là bản tố cáo đanh thép tội ác bọn chúng gây ra.

Tập báo “Sinh hoạt” số đặc biệt mừng xuân Quý Sửu 1973 ra đời sau Hiệp định Paris vừa ký kết (ngày 27-1-1973). Người đọc cảm nhận ở số báo tết này một không khí vui mừng, hy vọng về tương lai tươi sáng đang đến gần qua những dòng thơ, bài viết. Bên cạnh không khí lạc quan, phấn khởi, còn có lời kêu gọi của Ban biên tập “Hãy giữ vững lòng tin ở thắng lợi cuối cùng”, nhưng “không chút mơ hồ về âm mưu của kẻ địch”, phải “thường trực cảnh giác trước sự tráo trở của chúng”…

Tiếp thêm sức mạnh cho những người cộng sản

Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, dùng báo chí làm công cụ truyền bá tư tưởng và vận động đi theo, làm theo ngay từ buổi sơ khai đã thể hiện rõ. Tháng 6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho ra đời tờ Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội là sự khởi đầu của vận động cách mạng thông qua báo chí. 100 năm qua, hàng trăm tờ báo, tạp chí cách mạng dù hoạt động bí mật hay công khai đều coi chức năng tuyên truyền, vận động chính trị là số 1. Một mảng báo chí xuất bản bí mật trong lao tù đế quốc, thực dân thật bất khuất, hiệu quả vô cùng to lớn. Tờ báo là tấm bảng, các bài viết như những giáo trình của môn làm cách mạng. Những tờ báo ra đời nơi địa ngục trần gian Côn Đảo là vũ khí của những người lãnh đạo cộng sản, làm cách mạng để giải phóng dân tộc; tờ báo là một trường học cách mạng với nhiều nội dung phong phú, đa dạng… Các nhà nghiên cứu lịch sử báo chí cách mạng cho rằng, việc làm báo của các chiến sĩ cộng sản ở nhà tù Côn Đảo hoàn toàn xứng đáng được vinh danh “một kỳ tích trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam”.

Năm 1943, Chi bộ nhà tù Sơn La ra tờ báo bí mật lấy tên là “Bình Minh trên sông Đà”. Tờ báo là công cụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, hướng dẫn phong trào rèn luyện đấu tranh của tù nhân chính trị. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), giám ngục Sơn La tuyên bố trả tự do cho tù chính trị, nhưng thực chất là chuyển tù nhân về Trại giam Nghĩa Lộ. Đoàn tù chính trị ở Sơn La gồm gần 200 chiến sĩ cách mạng đã phá còng, tự giải thoát, trở về với phong trào cách mạng. Cùng với Chi bộ nhà tù Sơn La, báo “Suối Reo” đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Tại trại tập trung Bá Vân, tỉnh Thái Nguyên, các chiến sĩ cách mạng cũng cho ra tờ “Dòng sông Công” (sau đó đổi thành “Gió Ngàn”). Tờ báo được tổ chức và phát hành trong năm 1944-1945. Báo viết tay và lưu hành nội bộ. Tại trại tập trung Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) có tờ “Đường Nghĩa” do những người tù cộng sản thực hiện. Tờ báo được ra đời và lưu hành bí mật trong tù vào các năm 1944-1945.

Các cựu tù Côn Ðảo lật giở từng trang kỷ vật “Làm báo trong tù” có bút tích của chính họ, những nhân chứng sống

Các cựu tù Côn Ðảo lật giở từng trang kỷ vật “Làm báo trong tù” có bút tích của chính họ, những nhân chứng sống

“Lao tù tạp chí” phát triển trên cơ sở tờ “Lao tù đỏ” của Chi bộ nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), ra đời năm 1932, nhằm giáo dục, nâng cao trình độ nhận thức, chính trị, ý thức tổ chức và kỷ luật cho đảng viên, trao đổi kinh nghiệm và phương pháp vận động quần chúng… Tố cáo chế độ nhà tù, kêu gọi tù nhân đấu tranh; đấu tranh với những nhận thức lệch lạc trong tù nhân và những quan điểm sai trái của nhiều đảng viên Quốc dân Đảng. “Lao tù tạp chí” mở rộng nội dung, đối tượng độc giả và ra hằng tuần. Trong những năm 1940-1945, do hoàn cảnh khó khăn, “Lao tù tạp chí” không ra thường xuyên, chủ yếu phát hành vào các dịp lễ, tết…

Trải qua 100 năm, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp với nhiều thể loại, nhưng những bài viết, nhiều tác phẩm báo chí ra đời ở địa ngục trần gian Côn Đảo, Sơn La, Hỏa Lò…, vẫn vẹn nguyên tính thời sự, cách thức làm báo ở nhà tù thực dân, đế quốc mãi là bài học vô cùng quý giá cho những người làm báo hôm nay. Tên tuổi các tờ báo luôn là một kỳ tích của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Báo chí là vũ khí hoạt động của các chiến sĩ cộng sản. Tác phẩm, bài viết là những tài liệu vận động cách mạng, mang tính Đảng sâu sắc. Có thể nói báo chí Côn Đảo nằm trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện.

Dù chỉ là những mảnh giấy nhỏ, những thông tin ít ỏi nhưng đó chính là sợi dây liên lạc với thế giới bên ngoài và giữa những người tù chính trị với nhau. Báo chí giúp những chiến sĩ cách mạng bị giam hãm, tù đày vẫn nắm được tình hình thời sự, chủ trương, đường lối của Ðảng để thêm vững tin vào con đường đã chọn, tin vào ngày chiến thắng không xa. Báo chí góp phần khích lệ tinh thần đấu tranh, tiếp thêm sức mạnh cho những người cộng sản, báo chí cũng là phương tiện cung cấp tri thức cho những người tù chính trị”.

Nhà báo LÊ QUỐC MINH, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân

Đọc kỹ những bài viết ra đời ở nơi đặc biệt, chúng ta càng thấy thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, sự hy sinh quên mình vì nhau vô cùng trong sáng. Chính đó là chất keo gắn kết họ lại để đủ sức đương đầu với mọi bạo lực, khủng bố của kẻ thù, cũng là nguồn động viên vô cùng cần thiết đối với những người tù trong cuộc sống bị giam hãm ở 4 bức tường khắc nghiệt.

Báo chí đã góp phần xây dựng Đảng, tập hợp lực lượng, hình thành một mặt trận đấu tranh chung của những chiến sĩ cộng sản. Báo chí góp phần gây dựng, củng cố các chi bộ đảng trong nhà tù thực dân, đế quốc. Báo chí phục vụ rất hiệu quả cho công tác tuyên truyền cách mạng, rèn luyện cán bộ của Đảng, củng cố tổ chức đảng và tổ chức quần chúng trên mặt trận đấu tranh trong lao tù. Báo chí ở nhà lao cũng đã là người ghi lại lịch sử, giúp cho nhiều thế hệ biết được đời sống ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo và các nhà tù thực dân, đế quốc khác, về cuộc đấu tranh kiên cường của những người cộng sản…

Minh Nhâm - Minh Luận - Hoàng Thu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/636/172470/lam-bao-o-mot-noi-dac-biet
Zalo