'Lại thấy ông đồ già'
Ở Thái Nguyên không gặp ông đồ ngồi bên phố, mà ở chốn lễ hội.
“Niên niên đào khai hoa/Tổng kiến lão tú tài/Truy nghiễn hồng tiên bãi/Thông cù nhân vãng lai” dịch là: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực Tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua”. Ở Thái Nguyên không gặp ông đồ ngồi bên phố, mà ở chốn lễ hội như đền Xương Rồng; chùa Phù Liễn; chùa Hang (T.P Thái Nguyên); đền Đuổm (Phú Lương)… Giữa chốn “đông người qua”, các ông đồ, bà đồ với mực Tàu, giấy đỏ, thần thái phóng khoáng, nụ cười hanh thông, tạo sự gần gũi, thân thiện làm nhiều người cảm mến.
Là nghệ thuật tạo hình chữ viết, nên nhân loại sáng tạo ra chữ viết, chữ thư pháp cũng đồng thời xuất hiện. Cùng dòng chảy thời gian, chữ thư pháp trở thành một môn nghệ thuật độc đáo, vừa cao siêu nhưng lại rất gần gũi với mọi người trong cộng đồng xã hội.
Cao siêu vì đó là nghệ thuật viết chữ đẹp như tranh. Gần gũi vì ai cũng có thể chơi tranh chữ. Nhất là những năm trước cách mạng tháng Tám năm 1945, lượng người mù chữ ở Việt Nam rất lớn, song ngày Tết thường đi xin chữ về treo trong nhà với tâm niệm bình an, đắc lộc, đắc tài; hoặc để nhắc nhở cái tâm mình luôn trong sáng, nhẫn nhịn.
Trên dòng đời vốn bất định, nhưng ông đồ, bà đồ ở các giai đoạn lịch sử luôn tĩnh tại, nhìn mặt đoán tâm mà phóng bút. Ví như năm Tỵ mà họa rắn thành chữ, viết chữ cũng thấy hình con rắn đáng mến. Đấy là cái tài của người cho chữ.
Cả nghìn năm nay chữ thư pháp đã được nhân loại sử dụng. Nhân loại chia chữ thư pháp thành 2 phương. Các phương tính theo đường di chuyển của mặt trời: Mặt trời mọc là phương Đông; mặt trời lặn là phương Tây. Phương Tây có các hiền sĩ, tăng lữ sử dụng chữ để ghi chép lại các văn bản quan trọng. Phương Đông gồm những người được học chữ, biết chữ và chia thành 3 dạng người. Người thi đỗ khoa cử, làm quan, có đức hạnh thì chữ thư pháp của họ được mọi người trong xã hội quý hơn vàng bạc, nhưng chỉ cho chứ không bán. Với các ông đồ nho thì vừa bán, vừa cho, tùy vào năng lực kinh tế của người xin chữ. Dạng người thứ 3 mưu sinh thuần túy bằng việc bán chữ, xã hội gọi là “Vị sư bán tự”.
Song trân quý là các bậc hiền nhân thạo chữ, cho hoặc bán chữ đều có tinh thần tôn vinh dân tộc. Minh chứng từ hơn 400 năm trước, chữ quốc ngữ được truyền bá cũng được các ông đồ họa thành tranh tặng cho người thích chữ. Vì chữ và nghĩa còn quý hơn vàng bạc, nên ở các thời đoạn lịch sử, xã hội không gọi là bán chữ, mà dùng từ cho chữ.
Tiện ích của công nghệ thông tin giúp các ông đồ, bà đồ giải quyết căn bản về việc phóng bút không sợ thừa hoặc thiếu nét. Nhất là thời đất nước hội nhập, Thái Nguyên có hàng nghìn người ra nước ngoài học tập, đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn, hoặc có người nhà ở nước ngoài. Nhân du xuân xin chữ của nước mình từng đến, đặt với ông đồ, bà đồ chữ mình cần.
Khi ấy ông đồ, bà đồ vào máy vi tính, hoặc mở điện thoại có kết nối internet, nhờ công cụ tìm kiếm Google là có đúng chữ mình cần. Mực đã mài sẵn, ông đồ, bà đồ cầm cây bút lông khoan thai phóng tác ra hình rồng, rắn, hổ, báo mà thành chữ Hán cổ, chữ Hàn Quốc, chứ Nga, chữ Đức… làm “thượng đế” soi ngang, soi dọc thấy hả hê, nể cái tài của người cho chữ.
Vui là chính. Có không ít người chạy theo tâm lý đám đông, thấy người ta chơi được thì mình cũng xuýt xoa đặt xin chữ, nhưng chẳng biết chơi như thế nào. Nhất là tranh chữ Hán cổ, có khi mang treo ngược trong nhà mà không biết. Cũng có người hằng năm vào độ xuân đều đi mua chữ lấy may, nên thường có chuẩn bị sẽ mua chữ từ nhà. Cũng có người đi hội thấy hay mắt, ghé hàng nghiên, cẩn thận chào hỏi lịch lãm, xin được ông đồ, bà đồ giải nghĩa, thấy thấu nghĩa của chữ mới đặt viết chữ mình cần.
Phần lớn người xin chữ ngày nay không coi trọng về tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm thư pháp, như đường nét, bố cục và cái thần của tác phẩm nghệ thuật. Cứ viết đúng chữ, có thêm một chút sáng tạo của chữ mình cần là chấp nhận dùng.
Chứng kiến ở các điểm cho chữ có thể luận chữ ra người. Doanh nhân hoặc người làm nghề buôn bán xin chữ: “TÀI”, “LỘC”, “PHÚ QUÝ”; người trẻ xin chữ “TRƯỜNG SINH” hẳn trong nhà có cha mẹ già; người luyện võ xin chữ: “NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG”. Một ông đồ giải thích: Chữ mang rất nhiều nghĩa, ví như chữ “TÂM”, đó là đạo đức, lòng bao dung, nhân ái, vị tha. Nhờ chữ “TÂM” tồn tại trong con người mà cư xử giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn.
Đi xin chữ đầu xuân không chỉ là một thú vui, mà còn thể hiện đức hiếu học, tình cảm “tôn sư trọng đạo” của mỗi người. Đó cũng là một cử chỉ văn minh, bởi mỗi chữ đều có ngữ, nghĩa riêng, thể hiện sự hướng thiện của con người. Nên việc xin chữ, dù là chữ gì cũng đều được tôn trọng.