Lãi suất thực tại 16 nền kinh tế lớn năm 2025
Nga dẫn đầu danh sách với mức lãi suất thực là 14,5%. Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) đang phải tăng lãi suất để chống lại lạm phát cao - một thách thức lớn của nền kinh tế nước này...
Lãi suất thực - được tính bằng cách lấy lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát - là một động lực thực sự cho xu hướng chi tiêu hoặc tiết kiệm trong nền kinh tế.
Khi lãi suất thực ở mức thấp, doanh nghiệp đi vay nhiều hơn và người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế. Ngược lại, lãi suất thực cao thúc đẩy tiết kiệm và thắt chặt điều kiện tài chính trong nền kinh tế.
Sử dụng dữ liệu từ Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2025 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồ thị thông tin dưới đây thể hiện lãi suất thực tại 16 nền kinh tế lớn trên thế giới.

Theo đó, Nga dẫn đầu danh sách với mức lãi suất thực là 14,5%. Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) đang phải tăng lãi suất để chống lại lạm phát cao - một thách thức lớn của nền kinh tế nước này.
Tại châu Mỹ, Brazil và Mexico là hai nơi có lãi suất thực cao với lần lượt 9,2% và 5,3% dù lạm phát đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2022. Tại Mỹ, lãi suất thực hiện là 1,5% với lạm phát đang ở trên mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Lãi suất quỹ liên bang ở Mỹ - được xem là lãi suất danh nghĩa tại nước này - hiện vẫn ở mức cao nhất trong nhiều năm với 4,3% vào tháng 5/2025.
Theo báo cáo, lãi suất thực tại Trung Quốc là 0,8%. Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, ngày 7/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.
Nhật Bản là nền kinh tế duy nhất hiện có lãi suất thực ở mức âm, -2,1%. Tuy nhiên, điều đáng nói đây là mức lãi suất cao nhất ở Nhật kể từ năm 2008. Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chấm dứt cơ chế lãi suất âm danh nghĩa - tức mức lãi suất không điều chỉnh theo lạm phát.
Trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu đã hạ nhiệt, IMF dự báo các nền kinh tế lớn trên thế giới có xu hướng hạ lãi suất trong năm nay. Lãi suất quỹ liên bang ở Mỹ được dự báo sẽ giảm về mức 4% trong năm nay. Hồi tháng 3, Fed quyết định không điều chỉnh lãi suất do bất ổn xung quanh chính sách thuế quan của ông Trump và triển vọng lạm phát tăng. Khu vực đồng euro được dự báo sẽ hạ lãi suất về 2% vào giữa năm nay, từ mức khoảng 2,4% tháng trước.
Với Nhật Bản, IMF dự báo lãi suất tại nước này sẽ tiếp tục tăng.