Lãi suất tăng, tiền gửi ngân hàng đạt kỷ lục hơn 14 triệu tỷ đồng

Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng số tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng đạt hơn 14 triệu tỷ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng huy động vẫn thấp hơn tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu thống kê lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 10/2024.

Cụ thể, tiền tiết kiệm của dân cư vào ngân hàng đạt 6,978 triệu tỷ đồng, tăng 20.471 tỷ đồng so với tháng 9 và tăng khoảng 6,5% so với đầu năm. Còn tiền gửi của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế (gọi chung là doanh nghiệp), tính đến cuối tháng 10/2024, lần đầu tiên đạt mức kỷ lục là 7,157 triệu tỷ đồng, tăng 4,63% so với cuối năm 2023.

Trong năm qua, tiền gửi của cư dân tăng theo từng tháng nhờ lãi suất huy động liên tục tăng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2024, lãi suất huy động bình quân tăng 0,73%/năm so với cuối năm 2023.

Tiền gửi ngân hàng đạt kỷ lục hơn 14 triệu tỷ đồng.

Tiền gửi ngân hàng đạt kỷ lục hơn 14 triệu tỷ đồng.

Đà tăng của lãi suất tiếp tục duy trì trong tháng đầu của năm 2025. Chỉ trong tháng 1, có tới hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi; mức phổ biến kỳ hạn 12 tháng được niêm yết quanh 6%/năm.

Còn mức cao nhất lên tới 8-9%/năm được một số ngân hàng áp dụng, với số tiền gửi lên tới 500 - 2.000 tỷ đồng ở kỳ hạn dài trên 12 tháng, như PVcomBank áp dụng lãi suất lên tới 9%/năm với khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại quầy cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

HDBank cũng có mức lãi suất tiền gửi lên đến 7,7%/năm và 8,1%/năm cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Để được nhận mức lãi suất này, khách hàng có số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.

Mới đây nhất, Công ty chứng khoán MB (MBS) đưa ra nhận định lãi suất huy động tăng trở lại nhằm đảm bảo thanh khoản phục vụ nhu cầu tín dụng những tháng cuối năm.

MBS kỳ vọng với sự phục hồi của hoạt động sản xuất và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất huy động và tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

"Do vậy, dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 5 - 5,2% trong năm 2025", MBS nhận định.

Trong suốt hơn 2 năm kể từ tháng 8/2022, tiền gửi của dân cư liên tục tăng, từ 5,637 triệu tỷ đồng lên 6,978 triệu tỷđồng.

Mặc dù tốc độ huy động vốn đã cải thiện đáng kể, song vẫn chậm hơn so với tín dụng khiến chênh lệch giữa dư nợ cho vay và số dư tiền gửi duy trì ở mức cao.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 10/2024 đạt khoảng 10% so với cuối năm 2023, cao hơn khoảng 3,5% so với tăng trưởng huy động vốn.

Điều này, theo nhận định của công ty phân tích thị trường, có thể là nguyên nhân gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động, đặc biệt ở các nhà băng quy mô nhỏ. Thực tế, xu hướng tăng lãi suất tiền gửi trong giai đoạn vừa qua cũng diễn ra chủ yếu ở các nhà băng tư nhân, trong khi nhóm quốc doanh giữ ổn định, từ đó tạo sự phân hóa lãi suất huy động giữa các ngân hàng.

Nhóm ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng duy trì lãi suất ổn định để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, áp lực tăng lãi suất huy động cao hơn với nhóm tư nhân, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt với những ngân hàng có mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng lớn và cơ cấu huy động vốn kém linh hoạt.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/lai-suat-tang-tien-gui-ngan-hang-dat-ky-luc-hon-14-trieu-ty-dong-1104766.html
Zalo