Lãi suất huy động phân hóa mạnh giữa các nhà băng

Trong khi các ngân hàng lớn gần như không thay đổi đáng kể về lãi suất huy động, một số ngân hàng nhỏ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao hơn để thu hút khách hàng.

Theo thống kê từ đầu tháng đến ngày 24/12 đã có tới 18 ngân hàng tăng lãi suất huy động tại quầy và online, gồm: BVBank, CBBank, Dong A Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank, MB, IVB, LPBank, Techcombank, Eximbank, SeABank, Kienlongbank, và chỉ có 1 ngân hàng quốc doanh là Agribank. Mức tăng phổ biến từ 0,1-1%/năm.

Ngược lại, có 7 ngân hàng giảm lãi suất huy động, trong đó có cả ngân hàng vừa điều chỉnh tăng và giảm, gồm: ABBank, VIB, IVB, LPBank, Bac A Bank, KienlongBank và NCB.

Ngân hàng đẩy mạnh hút tiền gửi

Xu hướng tăng nhẹ của lãi suất tiết kiệm bằng VND cuối năm 2024 phản ánh nhu cầu vốn tăng cao từ các ngân hàng để hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng. Đáng chú ý, thị trường vẫn có sự phân hóa lãi suất nhất định. Trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh giữ nguyên mặt bằng lãi suất huy động thì các ngân hàng tư nhân tăng nhẹ để đáp ứng nhu cầu vốn, đặc biệt là những ngân hàng phụ thuộc lớn vào nguồn tiền gửi khách hàng.

Xu hướng tăng nhẹ của lãi suất tiết kiệm bằng VND cuối năm 2024 phản ánh nhu cầu vốn tăng cao từ các ngân hàng để hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng.

Xu hướng tăng nhẹ của lãi suất tiết kiệm bằng VND cuối năm 2024 phản ánh nhu cầu vốn tăng cao từ các ngân hàng để hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng.

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng dao động từ 4,7% - 4,8%/năm, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần ghi nhận mức lãi suất cao hơn, đạt 5,4% - 6,25%/năm ở các kỳ hạn dài hơn. Hiện, các ngân hàng đang trả lãi suất từ 6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng đa phần là ngân hàng quy mô vừa, nhỏ.

Riêng với lãi suất đặc biệt, cao nhất thị trường là mức 9,5%/năm được niêm yết tại PVcomBank. Khách hàng của PVcomBank sẽ được hưởng mức lãi suất này khi có số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

HDBank cũng niêm yết mức lãi suất 8,1%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho các khoản tiết kiệm tối thiểu từ 500 tỷ đồng trở lên/thẻ tiết kiệm, không áp dụng huy động hình thức lãi đầu kỳ, lãi định kỳ.

Các mức từ 7-8%/năm cũng được niêm yết tại nhiều ngân hàng. Như Dong A Bank đang niêm yết mức lãi suất đặc biệt 7,5%/năm với khách hàng gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên, cho khung 365 ngày/năm.

MSB hiện ban hành lãi suất đặc biệt 7,0%/năm với khách hàng có sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, một số ngân hàng đã áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng “kịch trần”. Điển hình là Eximbank niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng là 4,75%/năm, bằng với lãi suất trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dành cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Theo sau lần lượt là ABBank với 4,45%/năm, MBV (tên cũ là OceanBank): 4,4%/năm, CBBank: 4,35%/năm, NCB: 4,2%/năm…

Các chuyên gia cho rằng lãi suất huy động được điều tiết bởi cung cầu trên thị trường tài chính, và thậm chí là sự cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau. Dự báo năm 2025, khả năng tăng lãi suất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nới lỏng là không cao.

Lãi cho vay chưa tăng ngay?

Việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng, theo các chuyên gia, là cần thiết vì hai lý do chính. Thứ nhất, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng cao vào dịp cuối năm, nên ngân hàng cần nguồn vốn để cho vay. Thứ hai, diễn biến tăng mạnh của tỷ giá và giá vàng gần đây đã khiến người dân có xu hướng chuyển một phần vốn sang các kênh đầu tư này, vì vậy lãi suất tiền gửi cần nhích lên để tạo sức cạnh tranh.

Các ngân hàng cũng buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiết kiệm, chứ không phải nhằm thay đổi chính sách tiền tệ.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. NHNN đang cân nhắc các phương án về lãi suất điều hành trong thời gian tới, có thể giữ nguyên hoặc tiếp tục giảm tùy thuộc vào các yếu tố như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nhiều giải pháp tích cực như tiết giảm chi phí, rà soát và miễn giảm các loại phí không cần thiết.

Bên cạnh đó, các ngân hàng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục cho vay và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cho vay nhằm góp phần giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Dù lãi suất có xu hướng tăng, nhưng hiện tại, lãi suất tiết kiệm vẫn được giữ ở mức hợp lý, mang lại lợi nhuận ổn định cho người gửi tiền trong ngắn hạn. Trong khi đó, các ngân hàng đảm bảo được mục tiêu không tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Thực tế, NHNN vẫn duy trì định hướng kiểm soát mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý để bảo đảm ổn định thị trường tài chính.

Các biện pháp như hỗ trợ thanh khoản và điều tiết cung tiền được áp dụng nhằm giảm áp lực lạm phát và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cùng người dân tiếp cận vốn.

Hiện nay, các ngân hàng đang cung cấp nhiều gói vay cho từng lĩnh vực, từng đối tượng khách hàng với mức lãi suất khác nhau. Vì vậy, thời gian tới, nếu lãi suất cho vay có nhích lên thì cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng tăng của lãi suất đầu vào.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/lai-suat-huy-dong-phan-hoa-manh-giua-cac-nha-bang-1104350.html
Zalo