Lãi suất huy động có tiếp tục tăng?

Bước sang tháng 8, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Xu hướng này liệu có tiếp diễn từ nay đến cuối năm trước các tác động của tỷ giá và cầu tín dụng?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động

Trong biểu lãi suất áp dụng từ đầu tháng 8, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng lên 1,7%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng là 2%/năm, tăng 0,1 điểm % so với trước đó. Đây là lần đầu tiên ngân hàng thương mại quốc doanh này tăng lãi suất trong nhiều tháng qua. Trong khi đó, các kỳ hạn từ 6-11 tháng có lãi suất mới là 3%/năm.

Như vậy, 3 trong số 4 ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng quốc doanh đã tăng lãi suất huy động kể từ tháng 4. Sau điều chỉnh, biểu lãi suất huy động của Agribank đã ngang bằng so với lãi suất của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và cao hơn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở hầu hết kỳ hạn.

Từ đầu tháng 8, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đã tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 1 -5 tháng là 3,05%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tại quầy là 5%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1- 5 tháng đồng loạt được niêm yết tại mức 3,55%/năm sau khi tăng 0,3%/năm. HDBank tăng thêm 0,2%/năm lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, lên mức 5,1%/năm. Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, lãi suất huy động kỳ hạn này vượt ngưỡng 4,9%/năm.

Một ngân hàng khác cũng thay biểu lãi suất ngay đầu tháng 8 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank). Cụ thể, ở kỳ hạn ngắn, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng 0,5 điểm % lên 2,8%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng 0,4 điểm % lên 3,2%/năm... Đối với kỳ hạn dài từ 12 tháng, Ngân hàng này tăng thêm 0,2 điểm % lên 4,9%/năm. Lãi suất cao nhất tại Sacombank hiện là 5,2% khi khách hàng gửi kỳ hạn từ 36 tháng.

Thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, trong tháng 7, tổng cộng 16 ngân hàng, bao gồm 4 ngân hàng thương mại quy mô lớn là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBbank), Sacombank và BIDV điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1 - 0,7 điểm %. Hiện tại, lãi suất huy động ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia tài chính, ngân hàng, khi kinh tế phục hồi, tín dụng cũng sẽ phục hồi, nhu cầu vốn tăng lên dẫn đến lãi suất huy động tăng. Mức độ tăng lãi suất như hiện tại chưa gây nguy hiểm cho nền kinh tế, thậm chí còn có lợi cho nền kinh tế.

Ông Đinh Đức Quang - Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam – phân tích, lãi suất đầu vào đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, lãi suất USD trên thế giới, lợi tức đầu tư so với các kênh chứng khoán, bất động sản, vàng. Mặt bằng lãi suất tìm đến điểm cân bằng mới là phù hợp.

Tín dụng, tỷ giá tác động đến lãi suất huy động

Lý giải nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng, các chuyên gia của Công ty chứng khoán MBS phân tích, tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ huy động vốn. Do vậy, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường; đồng thời chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng thường tăng cao vào giai đoạn cuối năm.

Mặt bằng lãi suất VNĐ nửa cuối năm có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25 đến 0,75 điểm %, tạo đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn. Mặt bằng lãi suất sẽ trong khoảng từ 3% đến 6% vào cuối năm nay, đây là mức khá hợp lý

Ông Đinh Đức Quang - Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam

Nhận định về xu hướng lãi suất những tháng cuối năm, MBS dự báo, trong nửa sau năm 2024, khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn, lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 50 điểm cơ bản. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo MBS, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, cầu tín dụng kỳ vọng phục hồi kéo theo nhu cầu huy động vốn, khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm. Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn theo sự ấm lên của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2024.

Ngoài ra, theo KBSV, tỷ giá trong quý III vẫn sẽ có các biến động, mặc dù rủi ro tăng mạnh trở lại không còn đáng ngại. Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn duy trì định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế chênh lệch lãi suất, song song với nghiệp vụ bán USD để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Các yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1, đặc biệt là nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ và vừa có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt. KBSV nhận định lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm 0,5 điểm % từ nay cho tới cuối năm, lên mức quanh vùng đáy Covid-19 giai đoạn 2020-2021./.

ĐỨC THÀNH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/lai-suat-huy-dong-co-tiep-tuc-tang-33492.html
Zalo