Lãi suất huy động bất ngờ đảo chiều, gửi tiền ở đâu để nhận lãi cao?

Lãi suất huy động đang có những diễn biến trái chiều khi hàng loạt các nhà băng giảm lãi suất với các kỳ hạn dài.

Từ đầu tháng 8 đến nay, các ngân hàng liên tiếp giảm lãi suất huy động. Điểm chung của các nhà băng này là từng niêm yết lãi suất trên 6%/năm với những kỳ hạn dài.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới nhất, theo hướng giảm ở một số kỳ hạn 24 - 36 tháng, với mức giảm 0,2%/năm. Đáng chú ý, mức lãi suất huy động cao nhất lên đến 6%/năm được OCB duy trì suốt hai tháng qua đối với tiền gửi kỳ hạn 36 tháng nay giảm về 5,8%/năm.

Trước OCB, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng điều chỉnh lãi suất huy động xuống mức bằng hoặc thấp hơn 6%/năm.

"Châm ngòi" cho xu hướng này là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) khi đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng từ mức cao nhất thị trường 6,2%/năm xuống 6%/năm kể từ ngày 1/8.

Hay gần đây hơn, ngày 15/8, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng giảm từ 0,1 - 0,2%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng. Trong đó, đáng chú ý, mức lãi suất huy động kỳ hạn 18 - 36 tháng áp dụng cho tài khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên giảm từ 6,05% xuống còn 5,95%/năm.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng bất ngờ giảm lãi suất 0,25%/năm từ ngày 7/8 đối với tất cả kỳ hạn huy động. Việc điều chỉnh này khiến SeABank đánh mất ngôi vị quán quân về lãi suất huy động cao nhất thị trường. Cụ thể, mức lãi suất 6,2%/năm được SeABank trả cho khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 15 - 36 tháng với số tiền từ 10 tỷ đồng trở lên nay giảm xuống còn 5,95%/năm.

Như vậy, bên cạnh việc có hơn 10 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, từ ngày 1/8 đến nay, có 4 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động là Bac A Bank, SeABank, ABBank và OCB. Điểm chung của cả 4 ngân hàng này là đều đã từng niêm yết lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài ở mức dẫn đầu thị trường, từ 6 - 6,2%/năm.

Sau khi giảm, lãi suất tiền gửi cao nhất tại OCB, Bac A Bank và SeABank về dưới ngưỡng 6%/năm, trong khi tại ABBank lãi suất cao nhất là 6%/năm.

Mức lãi suất huy động 6,1%/năm đang là lãi suất cao nhất thị trường hiện nay

Mức lãi suất huy động 6,1%/năm đang là lãi suất cao nhất thị trường hiện nay

Ngoài ABBank, một số ngân hàng đang duy trì lãi suất ngân hàng từ 6 - 6,1%/năm gồm: BaoViet Bank và BVBank niêm yết lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 - 36 tháng; Saigonbank niêm yết lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 - 24 tháng và 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng.

Mức lãi suất huy động 6,1%/năm cũng là lãi suất cao nhất thị trường hiện nay và được niêm yết tại 5 ngân hàng, gồm: NCB và OceanBank (kỳ hạn tiền gửi từ 18 - 36 tháng); HDBank (kỳ hạn 18 tháng); Saigonbank và SHB (kỳ hạn gửi tiền từ 36 tháng).

Ngoài các ngân hàng nói trên, một số nhà băng nhờ chính sách cộng thêm lãi suất nên mức lãi huy động cũng có thể chạm ngưỡng 6%/năm.

Chẳng hạn, VPBank đang niêm yết lãi suất huy động 5,9%/năm cho tiền gửi từ 10 tỷ đồng, kỳ hạn 24 - 36 tháng. Tuy nhiên, nhà băng này có chính sách cộng thêm 0,1%/năm lãi suất cho khách hàng ưu tiên với số dư tối thiểu 100 triệu đồng và kỳ hạn tối thiểu 1 tháng. Do đó, lãi suất huy động cao nhất khi gửi tiền tại VPBank có thể lên đến 6%/năm.

Mặc dù có những điều chỉnh trái chiều nhưng theo giới chuyên gia, xu hướng chung vẫn là lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất về khoảng 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất cho vay đầu ra được dự báo sẽ giữ nguyên, khi các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cùng quan điểm về xu hướng tăng của lãi suất huy động trong nửa cuối năm nay nhưng với lãi suất cho vay, ông cho rằng cũng sẽ có điều chỉnh tăng theo lãi suất huy động.

Theo ông Hiếu, việc lãi suất tăng là dấu hiệu của sự sôi động kinh tế, khi cả cá nhân lẫn doanh nghiệp đều gia tăng nhu cầu vay vốn. Điều này thúc đẩy các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động nhằm thu hút thêm tiền gửi để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn từ khách hàng.

"Việc tăng lãi suất là một giải pháp để thu hút dòng tiền mới, đảm bảo thanh khoản, nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí vay vốn, vì các ngân hàng cần duy trì biên độ lợi nhuận từ 3 - 4%" - vị chuyên gia nhận định.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lai-suat-huy-dong-bat-ngo-dao-chieu-gui-tien-o-dau-de-nhan-lai-cao-340027.html
Zalo