Lãi suất cho vay liệu có 'đảo chiều' trong năm nay?

Lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng, trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Việt Nam đứng trước sức ép lớn khi tiền đồng yếu đi dưới nhiều áp lực. Bởi vậy, một kịch bản mặt bằng lãi suất có thể tăng nhẹ đã được nhiều nhà phân tích đề cập.

Theo các chuyên gia, nhu cầu tín dụng tăng trong năm nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lãi suất, với dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong vòng 6-12 tháng tới và lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn mặt bằng lãi suất cho vay ưu đãi tiếp tục giảm trong năm nay.

42% doanh nghiệp muốn được giảm lãi suất cho vay

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên đến 16%, cao hơn mức dự kiến thực hiện 15% trong năm 2024. Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2025 như vậy, các nhà băng sẽ tăng thêm lượng tiền cho vay gần 2,5 triệu tỷ đồng, lên hơn 18 triệu tỷ đồng.

Giới phân tích dự báo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có khả năng đạt được. Bởi theo Tổng cục Thống kê, thời gian gần đây, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên phạm vi cả nước tăng cao. Có thể thấy, các doanh nghiệp này đang có kế hoạch để đón nhận cơ hội trong năm 2025.

Thế nhưng, vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm nhất lúc này là lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp và cần duy trì ổn định lâu dài. Đồng thời, nhà quản lý cần có thêm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu ra, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc pháp lý…

Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay sẽ tăng tiếp nhưng ở mức thấp chứ không quá mạnh để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về việc giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay sẽ tăng tiếp nhưng ở mức thấp chứ không quá mạnh để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về việc giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhận định kinh tế năm nay phục hồi so với năm trước, song khó khăn vẫn còn, vì vậy bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH JFT Việt Nam - chuyên sản xuất và cung ứng hoa cho thị trường Nhật Bản, kiến nghị một số giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp.

"Hiện nay, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thấp và với các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao, giá trị tài sản trên đất rất lớn (nhà kính). Vì vậy, ngân hàng cần có cơ chế để doanh nghiệp có thể sử dụng tài sản trên đất làm tài sản thế chấp để tăng khả năng tiếp cận vốn", bà Trâm nêu.

Đồng thời, các doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục được vay vốn với lãi suất ưu đãi để giảm bớt gánh nặng về chi phí và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh.

Theo khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê, có khoảng 42% doanh nghiệp trên cả nước kiến nghị Nhà nước giảm lãi suất cho vay. Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ ổn định giá và cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, 1/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát kiến nghị Nhà nước cần có các biện pháp nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất chế biến thực phẩm có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao nhất với 50,3%. Tiếp đến là ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) với 50,1%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác với 47,3%...

Theo địa phương, có tới 36/63 địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao hơn mức bình quân chung của cả nước (42%). Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao gồm: TP Hồ Chí Minh: 51,6%; Hà Nội: 48,8%; Bắc Ninh: 40,5%; Đồng Nai: 35,6%.

Dự báo mức tăng nhẹ

NHNN cho biết tính đến hết năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động tăng 0,71%, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,59% so với đầu năm, riêng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại đã giảm trung bình gần 1%. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lãi suất cho vay có thể "đảo chiều" tăng nhẹ trong năm 2025.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng chia sẻ, việc điều hành lãi suất hiện nay gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước.

“Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài”, bà Hồng phân tích.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, mức lãi suất cho vay doanh nghiệp cao hay thấp cũng phụ thuộc vào chính nhu cầu vay vốn, khả năng tài chính của doanh nghiệp và chính sách riêng của từng ngân hàng.

Chẳng hạn, khi nhu cầu vốn vay tăng cao, nguồn cung vốn của ngân hàng có thể bị hạn chế, dẫn đến việc điều chỉnh lãi suất tăng lên để đảm bảo cân bằng thị trường. Hay như hiện nay, các ngân hàng đang cung cấp nhiều gói vay cho từng lĩnh vực, từng đối tượng khách hàng với mức lãi suất khác nhau.

Điển hình, ngay từ đầu năm nay, Agribank đã cam kết sẽ dành 210.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Mức lãi suất cho vay VND thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường từ 1,2 - 1,6%/năm; thậm chí có nhóm khách hàng còn được vay với lãi suất chỉ từ 1,8%/năm...

Bên cạnh đó, lãi suất huy động cũng là yếu tố quyết định đến lãi suất cho vay. Tháng đầu tiên của năm 2025 ghi nhận 7 ngân hàng tăng lãi suất huy động, trong đó có 4 ngân hàng niêm yết lãi suất trên mốc 7%. Theo dự báo của các chuyên gia, lãi suất huy động bình quân có thể tăng thêm khoảng 0,5% trong năm 2025, từ mức 5,2% hiện tại lên khoảng 5,7%. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang chờ tín hiệu khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới.

Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay năm 2025 sẽ tăng tiếp nhưng ở mức thấp chứ không quá mạnh để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về việc giảm mặt bằng lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán lãi suất huy động ở các kỳ hạn trung và dài hạn sẽ tăng nhẹ từ 0,2 - 0,3 điểm % vào cuối năm 2024, sau đó giữ ổn định trong năm 2025. Lãi suất cho vay được kỳ vọng tăng thêm 0,5 - 0,7% khi nhu cầu tín dụng tăng lên nhờ sự phục hồi kinh tế, đặc biệt khi doanh nghiệp bắt đầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn chịu ảnh hưởng từ đại dịch.

VCBS nhận định NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát tốt lạm phát. Các yếu tố như chính sách tài khóa, giá nguyên liệu biến động, và tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ là những nhân tố chính ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất trong năm 2025.

Chính phủ cũng dự kiến áp dụng các chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc tăng lãi suất, đặc biệt đối với các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/lai-suat-cho-vay-lieu-co-dao-chieu-trong-nam-nay-1104645.html
Zalo