Lai Châu: Tri ân công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ năm 2025 tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân.

Đoàn rước kiệu Vua Lê Thái Tổ theo nghi thức truyền thống từ Đền trình lên Đền chính. (Ảnh: TTXVN phát)

Đoàn rước kiệu Vua Lê Thái Tổ theo nghi thức truyền thống từ Đền trình lên Đền chính. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 8/2 (tức ngày 11 tháng Giêng), năm 2025 đã chính thức khai hội tại xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu).

Lễ hội là dịp để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi - Vua Lê Thái Tổ.

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cùng đông đảo người dân và du khách về dự lễ.

Phát biểu khai hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội khẳng định đây là sự kiện văn hóa quan trọng, là dịp để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã có công lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427).

Lễ hội không chỉ là sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh Lai Châu mà còn là dịp để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân; là cơ hội để tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trên địa bàn; quảng bá tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 Đoàn thủy quân theo mô phỏng khi vua Lê Thái Tổ tiến lên giải phóng miền biên viễn Tây Bắc năm xưa. (Ảnh: TTXVN phát)

Đoàn thủy quân theo mô phỏng khi vua Lê Thái Tổ tiến lên giải phóng miền biên viễn Tây Bắc năm xưa. (Ảnh: TTXVN phát)

Nằm trong quần thể di tích Đền thờ Vua Lê Thái Tổ, Bảo vật quốc gia Bia Lê Lợi mang giá trị đặc biệt cả về mặt lịch sử và văn hóa chính trị.

Việc duy trì tổ chức Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ vào dịp đầu Xuân năm mới thu hút sự quan tâm của nhân dân, du khách, lượng khách du lịch đến với Nậm Nhùn tăng dần sau mỗi năm.

Tại lễ khai hội, các đại biểu, nhân dân, du khách cùng ôn lại nguồn gốc lịch sử của Bảo vật quốc gia Bia Lê Lợi, quá trình hình thành quần thể di tích quốc gia “Địa điểm lưu niệm đền thờ Vua Lê Thái Tổ”; xem đội tế lễ thực hiện Nghi thức tế lễ và lễ tạ Vua Lê Thái Tổ.

Vào tháng Chạp năm Tân Hợi 1431, sau khi dẹp yên phản loạn, bình định vùng Tây Bắc trên đường trở về qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (hiện nay), trên vách đá Pú Huổi Chỏ của bờ bắc sông Đà, Vua Lê Thái Tổ đã khắc bài văn ghi nhớ sự kiện này. Bia đá như một lời răn dạy nhân dân bảo vệ biên cương Tổ quốc và răn đe những kẻ phản loạn, tội đồ lúc bấy giờ.

Bia Lê Lợi vừa mang trong mình giá trị lớn về lịch sử, nhưng cũng là một kiệt tác văn hóa của vị Anh hùng dân tộc. Năm 2016, Bia Vua Lê Thái Tổ - Bia cổ hoài lai được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Đền thờ Vua Lê Thái Tổ (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn) xây dựng vào năm 2012 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Hàng năm, vào dịp đầu Xuân mới, Ủy ban Nhân dân huyện Nậm Nhùn thường xuyên tổ chức Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn,” “Đền ơn đáp nghĩa”, giáo dục truyền thống yêu nước và tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ.

Trong khuôn khổ Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm nét đặc trưng văn hóa gắn liền với cuộc sống của người dân. Điển hình như Giải đua thuyền đuôi én, đua bè thể hiện đậm nét cuộc sống của đồng bào nơi đây gắn liền với lòng hồ thủy điện; đồng thời tái hiện lại hình ảnh đội thủy quân lục chiến cùng các tướng sỹ của Vua Lê Thái Tổ.

Đặc biệt là Lễ rước kiệu từ lâu đã trở thành một hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, tiêu biểu của dân tộc Việt Nam với không gian tràn ngập âm vang của trống, rực rỡ sắc màu của cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống.

Đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện còn mang đến Lễ hội những nét văn hóa đặc trưng riêng thông qua những phần thi như: ẩm thực, không gian văn hóa các dân tộc, văn nghệ và trình diễn trang phục; góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân trên địa bàn huyện Nậm Nhùn.

Du khách còn được tham gia vòng xòe đoàn kết, thưởng thức những món ăn độc đáo mang hương vị riêng của đồng bào các dân tộc nơi đây, khám phá không gian văn hóa các dân tộc, không gian sản phẩm địa phương và sản phẩm OCOP tiêu biểu.

Ông Hà Văn Ruệ, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Nhùn chia sẻ Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ được tổ chức với rất nhiều chương trình, hoạt động nhằm phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương, tự hào về di sản văn hóa của đất nước.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích quốc gia Đền thờ Vua Lê Thái Tổ luôn được huyện quan tâm và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu di tích với mong muốn Đền thờ Vua Lê Thái Tổ sẽ trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lai-chau-tri-an-cong-lao-to-lon-cua-anh-hung-dan-toc-le-loi-post1011303.vnp
Zalo