Hoa hồng Lang Biang sẵn sàng cho ngày Valentine
Những ngày này, 'thủ phủ' hoa hồng dưới chân núi Lang Biang (huyện Lạc Dương) rực rỡ sắc hoa để đón chào ngày lễ tình yêu Valentine (14/2). Các hộ trồng hoa hồng đang tật bật chuẩn bị thu hoạch một trong những vụ hoa lớn nhất năm.
“THỦ PHỦ” HOA HỒNG
Đang vào vụ thu hoạch hoa hồng lớn nhất năm, vườn hoa hồng 10.000m2 của gia đình anh Nguyễn Lê Trung Nghĩa (Tổ dân phố Đăngkia, thị trấn Lạc Dương) cũng trong dịp rộ nhất. Với 7.000m2 hoa hồng giống ngoại và 3.000m2 hoa giống nội, cứ 2 ngày vườn hoa của gia đình anh cắt một lần với trung bình 6000 – 7.000 cành. Vào thời điểm rộ nhất có khi mỗi đợt vườn hoa hồng của gia đình anh cắt khoảng 10.000 – 14.000 cành.
Anh Nghĩa cho hay, từ sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đến nay, giá hoa hồng tăng so với trước Tết, trung bình hoa hồng giống ngoại khoảng 2.000 – 3.000 đồng/bông, hoa giống nội từ 1.500 – 2.000 đồng/bông. Với giá cả như vậy thì người trồng hoa hồng đã có lời. Vào dịp lễ giá hoa hồng tăng lên khoảng 5.000 – 6.000 đồng/bông giống ngoại và 2.000 – 3.000 đồng/bông giống nội.
Riêng dịp lễ Valentine năm nay, hiện hoa hồng giống ngoại với màu đỏ như: đỏ pháp, đỏ ecuado, Ohara đỏ… giá tăng cao từ 6.000 – 7.000 đồng/bông bởi đây là loại bông được thị trường ưa chuộng nhất, các giống hoa khác cũng tăng 1.000 – 2.000 đồng/bông so với ngày thường.
Huyện Lạc Dương hiện được coi là “thủ phủ” hoa hồng của tỉnh Lâm Đồng bởi diện tích và sản lượng ngày càng tăng. Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu ôn hòa, mát mẻ, đất đai độ phì nhiêu cao, thích hợp với nhiều loại cây trồng như: Cà phê Arabica, hoa hồng, hoa cúc, dâu tây, rau các loại... Trong đó, cây hoa hồng được coi là cây mang lợi nhuận kinh tế khá cao và tương đối ổn định của bà con nông dân hiện nay trên địa bàn huyện.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, hiện nay, trên địa bàn huyện có 792,2 ha diện tích trồng hoa hồng. Trong đó, thị trấn Lạc Dương chiếm diện tích lớn nhất với 722 ha, xã Đạ Nhim 40 ha, xã Đạ Sar 20 ha, xã Lát 5 ha, xã Đưng K’nớ 4,8 ha và xã Đạ Chais 0,4 ha. Hoa hồng hiện có mặt tại tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện. Mật độ trồng trung bình 100.000 cây/ha. Thời gian thu hoạch cứ 2 ngày cắt cành/lần. Sản lượng ước khoảng 1.200 triệu cành/ha/năm. Tổng doanh thu của 1 ha trồng hoa hồng trong 1 năm ước đạt 1,8 tỷ - 2 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, người dân sản xuất hoa hồng trên địa bàn huyện Lạc Dương phần lớn bán trực tiếp cho các vựa thu mua hoa hồng theo hình thức hợp đồng cố định hoặc bán tự do. Một số có điều kiện, cơ sở thì tự sản xuất và đóng gói bán sản phẩm ra thị trường. Toàn huyện hiện nay có 59 vựa thu mua hoa hồng. Thị trường tiêu thụ cũng rất phong phú, từ Bắc tới Nam như: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Vũng Tàu…. Về chất lượng, hoa hồng Lạc Dương được sự phản hồi rất tích cực từ phía người tiêu dùng như: Mẫu mã, màu sắc đẹp, bông hoa cứng chắc, thời gian cắm hoa để được lâu…Ước sản lượng hàng năm, hoa hồng Lạc Dương cung cấp ra thị trường đạt khoảng 997 triệu cành/năm.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU “HOA HỒNG LANG BIANG”
Hiện trên địa bàn huyện Lạc Dương, người dân trồng hoa hồng với hơn 50 giống có tên gọi, màu sắc khác nhau, chủ yếu phân ra làm 3 loại: Giống hoa to (như đỏ ớt, đỏ trường kỳ, đỏ pháp, Ohara đỏ, trắng ù, vàng chùa, sen đại, sen phật, hồng Trà Lai, sen cốm, hỉ viền, Ohara hồng, Ohara trắng, kem trứng, Kissland, đỏ ecuado, đỏ Mina, capuchino...) hay còn gọi là hoa hồng giống ngoại – giống mới; giống hoa trung bình (như vàng ánh trăng, vàng mai, kem dâu, cam lửa vân gỗ, hoàng hậu; cam cũ; cam quốc vương, đỏ cô dâu, xác pháo, tím huế...) và giống hoa nhỏ (như đỏ sa, sen nhí, son môi, trắng xoáy, đỏ hà lan...) hay gọi là giống nội – giống cũ.
Một số chủng loại giống cũ đã bị thoái hóa dẫn đến sản lượng thấp, màu sắc và độ bền kém. Nhiều nhà vườn đã phá bỏ giống cũ và trồng các giống nhập mới. Công tác chọn lọc, nhân giống phát triển hầu hết là tự phát trong Nhân dân.
“Để khẳng định vị trí, thương hiệu độc quyền mang đặc trưng riêng của hoa hồng Lạc Dương, địa phương đã xây dựng thương hiệu “Hoa hồng Lang Biang”. Thông qua việc bảo hộ cho sản phẩm không những bảo vệ được uy tín đối với sản phẩm mà còn góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp đối với nhãn hiệu, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Đồng thời qua đó tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao uy tín và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hoa hồng của người dân, doanh nghiệp, Hợp tác xã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu trên địa bàn huyện. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức quản lý, hướng dẫn các tổ chức kinh tế tập thể, các trang trại sản xuất, các vựa kinh doanh sản phẩm hoa hồng sử dụng thương hiệu “Hoa hồng Lang Biang” trong quá trình tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn việc tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng nhằm đảm bảo uy tín, chất lượng của hoa hồng Lạc Dương”, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết.