Lai Châu: Độc đáo mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học

Thầy và trò ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tà Mung, xã Tà Mung (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) đã tổ chức mô hình 'Bảo tồn văn hóa dân tộc trong trường học'. Đến nay, mô hình đã đạt được những kết quả khả quan.

 Học sinh yêu thích mô hình bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc trong nhà trường

Học sinh yêu thích mô hình bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc trong nhà trường

Các em học sinh trong Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tà Mung lâu nay đã quen thuộc với các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và được triển khai ngay trong nhà trường.

Hàng tuần, cứ vào ngày thứ 2, các em học sinh người dân tộc thiểu số lại mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình để tham dự lễ chào cờ. Ngoài ra, vào những dịp diễn ra sự kiện của nhà trường, các em đều sử dụng trang phục truyền thống, tạo những không gian sắc màu sinh động trong nhà trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tà Mung - đơn vị thực hiện tốt công tác đưa bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa vào giảng dạy trong các giờ học ngoại khóa. Mặc dù chưa có kinh phí để mua sắm trang phục, nhạc cụ... làm giáo cụ phục vụ giảng dạy, thực hành và xây dựng không gian trưng bày văn hóa, nhưng để sớm đưa vào giảng dạy, các thầy, cô giáo, học sinh đã cùng huy động và thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tiêu biểu như khâu thêu, văn nghệ, tù lu, múa khèn, thổi sáo....

Đồng thời thường xuyên tổ chức hội thi văn nghệ, hội thi trang trí lớp học gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Giờ học ngoại khóa truyền dạy làm xôi ngũ sắc cho học sinh

Giờ học ngoại khóa truyền dạy làm xôi ngũ sắc cho học sinh

Thầy Phan Trắc Hưởng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Không chỉ tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, mà tất cả lớp học đều trưng bày góc cộng đồng, tổ chức giữa giờ các trò chơi dân gian, các hoạt động múa hát sân trường, các bài hát, điệu múa xòe, nhảy sạp, múa khèn của dân tộc Thái, H’Mông… Các hoạt động thiết thực này không chỉ giúp các em hiểu biết về bản sắc văn hóa của dân tộc mình mà còn được giao lưu học hỏi và biết thêm về bản sắc văn hóa của các dân tộc khác”.

Từ những hoạt động tích cực của mô hình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc như trên đã tạo động lực để các em không chỉ ham học, mà còn yêu thích các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao sự hiểu biết và niềm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Em Lò Thị Ngọc, học sinh lớp 5A2, cho biết: "Em đến trường ngoài học các môn chính còn được học khâu thêu may vá, học các tiết mục múa Thái, học chơi ném Pao của các bạn người H’Mông... Chúng em được chia thành các nhóm để tự giới thiệu về dụng cụ, trang phục, nhạc cụ… của dân tộc mình. Thỉnh thoảng trong các giờ học ngoại khóa, em còn được các thầy, cô đưa xuống chợ phiên cạnh đó để xem và giao lưu văn nghệ với các cô chú, anh chị ở các bản ra biểu diễn ở chợ phiên.

Nhờ vậy, chúng em không chỉ hiểu biết về văn hóa dân tộc Thái của mình, mà còn biết thêm văn hóa các dân tộc khác".

Dạy múa khèn cho học sinh nam người dân tộc Mông

Dạy múa khèn cho học sinh nam người dân tộc Mông

Để mô hình hoạt động và phát triển tốt, nhà trường còn mời những nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc ở địa phương đến hướng dẫn, truyền dạy cho học sinh thực hành các nghề truyền thống, như may áo váy, thêu thùa các họa tiết hoa văn truyền thống vào những giờ học ngoại khóa trong tuần.

Chị Cứ Thị Sau ở bản Hô Ta, xã Tà Mung nguyên là cán bộ xã đã nghỉ hưu. Bốn năm nay, chị được Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tà Mung mời lên hướng dẫn cho câu lạc bộ khâu thêu của nhà trường với vai trò một nghệ nhân. Mỗi tuần 2 buổi đều đặn, chị Sau lên chia sẻ, hướng dẫn cho học sinh miễn phí.

Chị Sau chia sẻ: "Tôi đến hướng dẫn các cháu may dây thắt lưng, gấu áo…, biết thêu các họa tiết dân tộc mình lên váy áo là mừng lắm rồi. Ở đây, tôi hướng dẫn không chỉ con em đồng bào H’Mông mà học sinh người Thái cũng học được cách khâu thêu họa tiết truyền thống của dân tộc mình. Ngược lại con em người H’Mông mình lại học được giá trị văn hóa truyền thống khác của dân tộc Thái từ những lớp học khác. Điều này rất ý nghĩa.

Học sinh nữ được dạy thêu thùa hoa văn truyền thống

Học sinh nữ được dạy thêu thùa hoa văn truyền thống

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Phan Trắc Hưởng, cho biết: “Ngoài việc dạy nghề truyền thống cho học sinh, nhà trường còn tổ chức gian hàng ở chợ phiên hàng tuần, để trưng bày và bán các sản phẩm do chính tay học sinh làm ra. Nguồn thu từ sản phẩm không chỉ đem lại niềm vui mà còn mua nguyên vật liệu cho các cháu tiếp tục thực hành trong các buổi học ngoại khóa”.

Hiện nay tất cả 23 trường tiểu học, trung học cơ sở ở huyện Than Uyên đã thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với hơn 7.000 học sinh tham gia. 22 trong tổng số 35 trường học đã xây dựng Không gian văn hóa riêng. Các trường còn lại lồng ghép không gian văn hóa trong “Góc cộng đồng” của thư viện hoặc trong lớp học.

Bình quân các trường đều tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian vào buổi chào cờ đầu tuần, hoạt động giữa giờ, các dịp lễ lớn, các hoạt động giáo dục ngoài giờ. Toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 80% học sinh là người dân tộc thiểu số mặc trang phục của dân tộc mình trong ngày lễ, trong tiết chào cờ đầu tuần…

Lan Phương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lai-chau-doc-dao-mo-hinh-bao-ton-ban-sac-van-hoa-dan-toc-trong-truong-hoc-20241126172016123.htm
Zalo