Lại bàn về hiệu quả tổng kết năm

Cuối tháng 12 là thời điểm các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp bước vào tổng kết năm. Đây là công việc thường xuyên, cần thiết, mang tính tổng kết định kỳ. Cùng với những mặt tích cực cũng bộc lộ những hạn chế, mà rõ nhất là bệnh hình thức.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu nói một cách cô đúc, tổng kết năm là đánh giá những kết quả hoạt động nổi bật nhất, cả ưu điểm và khuyết điểm, tồn tại, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm sau. Trong phần đánh giá, quan trọng nhất là chỉ ra được những nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, mang lại giá trị kinh tế-xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm. Phần phương hướng, quan trọng nhất là nêu được giải pháp khả thi, đã nêu ra phải làm bằng được. Đồng thời, dự báo được tình hình, nếu có những diễn biến mới sẽ chủ động điều chỉnh kế hoạch, phân công công việc như thế nào.

Chẳng hạn năm 2024, không ai lường trước được cơn bão số 3 Yagi, xảy ra hồi tháng 9, có cường độ mạnh nhất trong vòng 70 năm qua, có sức tàn phá ghê gớm đến như thế. Nhưng ít nhất cũng phải có kế hoạch chi tiết về phòng chống thiên tai, ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan, chủ động phương án “bốn tại chỗ”. Mặc dù đã chủ động, đã khẩn trương, linh hoạt nhưng không tránh khỏi những tai họa bất ngờ. Vậy khi tổng kết năm, các địa phương, các ngành liên quan nhận định như thế nào về công tác chỉ đạo, về việc phối hợp các lực lượng, chủ động ứng phó. Năm 2025 dự báo những diễn biến mới của bão lũ, sạt lở đất sẽ như thế nào. Việc di dời các hộ dân sống ở những khu vực không an toàn tại các tỉnh miền núi phải làm ngay từ bây giờ.

Khi chuẩn bị báo cáo và khi thảo luận trong hội nghị tổng kết rất cần những ý kiến như thế. Đó là những ý kiến vừa có sức khái quát cao, vừa nêu được những số liệu minh chứng tin cậy và giải pháp cụ thể. Hết sức tránh những bản báo cáo tổng kết như khuôn mẫu đúc sẵn theo kiểu “5 ưu, 2 khuyết”. Hết sức tránh những nhận định nguyên nhân thành công mà như “khen ngược”. Chẳng hạn: Đạt được những thành tựu to lớn đó là do có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của đảng ủy, lãnh đạo cấp trên; do nội bộ có truyền thống đoàn kết thống nhất; do các đoàn thể duy trì các phong trào thi đua thường xuyên, liên tục, có chiều sâu; do đội ngũ cán bộ cơ sở phần lớn được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn...

Những báo cáo kiểu này, phát biểu kiểu này thường lặp lại qua nhiều năm, chỉ thay đổi một vài con số. Và ngay các con số lắm khi cũng không nói lên điều gì, vì đó là “con số câm”, không có giá trị so sánh, không thấy được giá trị của nó. Thu ngân sách ở một huyện miền núi đạt 2.000 tỷ đồng/năm là cao, nhưng ở thành phố thì lại là bình thường. Trong quá trình thu thập thông tin để viết báo, chúng tôi đã gặp khá nhiều những con số dày đặc như thế và chẳng dùng được vào việc gì.

Đã có tổng kết thì phải có khen thưởng. Mùa tổng kết còn gọi là “mùa vỗ tay”. Huân chương, bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận sáng kiến... cho các tập thể và cá nhân là rất cần thiết, rất có giá trị, nhưng sẽ trở nên nhàm chán, thậm chí phản tác dụng khi nó được trao cho “cả làng”, được trao luân phiên, năm nay tôi, sang năm đến lượt anh. Như thế là mất động lực của thi đua. Động lực ấy là khích lệ niềm say mê, sáng tạo, “mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Lãnh đạo đơn vị rất cần “tiết kiệm” lời khen, đã khen phải thật đích đáng, đã tặng bằng khen phải được tập thể, được đồng nghiệp tâm phục khẩu phục.

Việc chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm (cả khách quan và chủ quan) không chỉ để khen đúng, chê đúng, mà còn để có kế hoạch kiểm tra, giám sát. Vấn đề nào do cơ chế chưa đúng, việc gì do buông lỏng quản lý, khâu nào do giao việc không đúng người. Do chỗ lãnh đạo không có kiểm tra cho nên có những cá nhân, tập thể vi phạm khuyết điểm từ năm này qua năm khác nhưng không được phát hiện. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc thì khuyết điểm mới được công khai.

Xem thế đủ thấy việc tổng kết sau một chiến dịch, một phong trào thi đua, tổng kết sáu tháng, tổng kết cả năm quan trọng biết nhường nào. Mới đây, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đã lưu ý: Trong thời gian còn lại của năm 2024, Tập đoàn và các đơn vị phải tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch được giao, nhất là các chỉ tiêu về tổng doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước, phấn đấu đạt mốc tổng doanh thu 1 triệu tỷ đồng. Đây vừa là mục tiêu đảm bảo sự tăng trưởng, phát triển bền vững của Tập đoàn, vừa là động lực, thể hiện quyết tâm đóng góp cao nhất có thể cho ngân sách quốc gia, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đây là những chỉ đạo rất cụ thể, rõ định lượng và định tính. Đó cũng là những gợi ý cho các đơn vị trong quá trình tổng kết năm. Nếu nội dung tổng kết chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhận định chưa chắc chắn thì chưa mở hội nghị.

Cả nước đang trong quá trình thực hiện tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và dũng cảm. Không vì thế mà xao nhãng công tác tổng kết. Vì có nghiêm túc kiểm điểm những gì đã làm được, những việc còn hạn chế, tồn tại thì bộ máy đi vào hoạt động mới có hiệu quả, đó không phải là hình thức mà là nội dung, chất lượng, hiệu quả của cơ quan, đơn vị mới được kiện toàn phải tốt hơn đơn vị cũ.

Hải Đường

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lai-ban-ve-hieu-qua-tong-ket-nam-722056.html
Zalo